Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Địa chất khoáng sản và Luật Công chứng (sửa đổi)

 

Ngày 17/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự theo: Luật Địa chất và khoáng sản và Luật Công chứng (sửa đổi).

tm-img-alt

Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp Hội Hà Giang và các chuyên gia TVPB ở Trung ương và ở tỉnh.

Theo các đại biểu, dự thảo (lần thứ 4) Luật Địa chất và khoáng sản gồm 12 chương, 117 điều (tăng 01 chương, 31 điều so với Luật Khoáng sản năm 2010) đã được Cơ quan Trung ương xây dựng khá hoàn chỉnh. Nội dung của Luật đã thể chế hóa được đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực địa chất, khoáng sản nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong dự thảo Luật quy định còn chung chung, nhiều vấn đề không rõ ràng, đề nghị Cơ quan soạn thảo Trung ương cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Cụ thể: (1) Về chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản quy định tại khoản 4 Điều 4 dự thảo Luật là không hợp lý, bởi vì tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một trong những nguồn thu của Ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, còn việc chi cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản sẽ được Ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện theo lĩnh vực chuyên môn khác, vì vậy đề nghị xem xét lại nội dung này; (2) Về hội nhập và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản (tại điểm b khoản 1 Điều 6 của dự thảo) cần phải chỉnh sửa theo các nguyên tắc, quan điểm về hợp tác quốc tế quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013, cụ thể: “Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”; (3) Về các hành vi bị cấm trong hoạt động địa chất, khoáng sản quy định tại khoản 8 Điều 10 dự thảo Luật là không rõ ràng và trái với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 nên đề nghị bỏ nội dung quy định này; (4) Về các nguyên tắc lập quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản tại khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật là không đầy đủ, không rõ ràng, mà cần phải áp dụng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 4 của Luật Quy hoạch năm 2017; (5) Quy định về đăng ký hoạt động điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, Điều 26 dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký hoạt động cũng như về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản là rất chung chung và không rõ ràng, đề nghị cần quy định cụ thể, rõ hơn “một số nội dung cơ bản có tính nguyên tắc về đăng ký hoạt động cũng như hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký” ngay trong dự thảo Luật, trên cơ sở đó Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết; (6) Việc quy định khu vực cấm hoạt động khoáng sản tại điểm a khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật là không rõ nghĩa, đề nghị chỉnh sửa và quy định cụ thể hơn: “Sau khi điều tra địa chất về khoáng sản mà thấy khu vực này có yếu tố xác định nếu tiếp tục thăm dò, khai thác khoáng sản thì sẽ sập hầm mỏ hoặc sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoặc xảy ra thảm họa tai biến địa chất thì sẽ cấm hoạt động khoáng sản”; (7) Về Quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia quy định tại Điều 3 dự thảo Luật là chưa đầy đủ, đề nghị bổ sung nội dung: Chủ đầu tư lợi dụng việc thực hiện dự án đầu tư, xây dựng công trình vi phạm khu vực quản lý bảo vệ khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính, tuỳ theo mức độ còn bị xử lý theo quy định của Bộ Luật hình sự”; (8) Về trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, tại chương XI dự thảo Luật có 4 Điều,  tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, cụ thể: (i) bổ sung thêm một Điều quy định về các nội dung quản lý nhà nước vềđịa chất, khoáng sản” để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền làm căn cứ tổ chức thực hiện, (ii) đề nghị bổ sung nội dung trách nhiệm cụ thể của một số Bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng… (iii) đề nghị chỉnh sửa lại quy định thẩm quyền cấp giấy phép, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản của “Bộ Tài nguyên và Môi trường”, “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” tại khoản 1, 2 Điều 113 dự thảo Luật thành Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường”“Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”cho chính xác, (iv) quy định về thanh tra chuyên ngành về địa chất, khoáng sản tại Điều 114 dự thảo Luật là chung chung và không phù hợp với Luật Thanh tra 2022, đề nghị bổ sung, làm rõ hơn, cụ thể hơn quy định về “thanh tra chuyên ngành về địa chất, khoáng sản” để phù hợp với Luật Thanh tra; (9) Đề nghị rà soát, chỉnh sửa tất cả các lỗi chính tả, câu từ, cụm từ cho chính xác và có nghĩa về nội dung; (10) Đề nghị bổ sung thêm quy định cụ thể trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định nội dung quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh vào khoản 1 Điều 112 dự thảo Luật để địa phương chủ động trong việc tổ chức thực hiện mà không phải đợi các văn bản hướng dẫn, gây lúng túng trong công tác tham mưu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh.

 Theo dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014. Các nội dung quy định thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (sửa đổi) lần này đều được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về thể chế và phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung để Luật đảm bảo tính cụ thể, chính xác, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi khi Luật được ban hành. Cụ thể:

(1) Về tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng, đề nghị chỉnh sửa Điều 6 của dự thảo Luật cho phù hợp với khoản 3 Điều 5 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng: “Sử dụng tiếng nói, chữ viết dùng trong công chứng chủ yếu là tiếng Việt; đồng thời cần đề cao việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số khi yêu cầu công chứng…” để tạo thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số khi tham gia công chứng và sử dụng các văn bản công chứng; (2) Về các hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị bỏ quy định: “nghiêm cấm công chứng viên thực hiện các hành vi quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình” tại điểm e khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật, vì không phù hợp với Luật Quảng cáo năm 2012; (3) Quy định về việc miễn nhiệm công chứng viên, đề nghị bỏ đoạn 2 khoản 5 Điều 14 dự thảo Luật: “Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể tự mình xem xét, quyết định việc miễn nhiệm đối với công chứng viên…”, vì lý do không phù hợp với quy định tại các khoản 3, 4 của Điều 14 dự thảo Luật về quy trình, thủ tục miễn nhiệm công chứng viên: “Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát hồ sơ và tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm công chứng viên”; (4) Quy định về chuyển nhượng Văn phòng công chứng tại khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật: “Công chứng viênphải chờ đợi sau 02 năm mới được tham gia thành lập Văn phòng công chứngmới hoặc hợp danh vào Văn phòng công chứngđang hoạt động” là quá khắt khe, đề nghị chỉnh sửa quy định thời hạn là sau 06 tháng kể từ ngày chuyển nhượng Văn phòng công chứng và phải nêu rõ lý do; (5) Quy định về thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng tại khoản 1 Điều 31 dự thảo Luật: Văn phòng công chứng không hoạt động liên tục từ 03 tháng trở lênthì bị thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng” là quá cứng nhắc và sẽ tạo khó khăn để thành lập Văn phòng công chứng hoạt động trở lại do thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian, vì thế đề nghị nới rộng thời gian là “Văn phòng công chứng không hoạt động thời gian liên tục từ 12 tháng trở lên thì mới bị thu hồi quyết định thành lập”; (6) Quy định về Thẻ công chứng viên tại khoản 1 Điều 36: Công chứng viên phải xuất trình Thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng” là không phù hợp, đề nghị chỉnh sửa lại là “Công chứng viên phải đeo Thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng”; (7) Quy định về bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng tại Điều 37 dự thảo Luật là chưa đầy đủ, đề nghị bổ sung thêm nội dung về các trường hợp phải bồi thường cho người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức và Nhà nước khi gây thiệt hại trong quá trình hoạt động công chứng”; (8)  Quy định về thủ tục công chứng tại Điều 39 dự thảo Luật là chưa đảm bảo tính logic, đề nghị rà soát và đưa nội dung “xuất trình bản chính của các giấy tờ” tại khoản 7 thực hiện đồng thời với việc “kiểm tra các giấy tờ” tại khoản 2 Điều 39 của dự thảo Luật; (9) Quy định về người yêu cầu công chứng và người phiên dịch tại khoản 3 Điều 46 dự thảo Luật là không phù hợp, sẽ là thách thức đối với những người không thể mời được phiên dịch để phiên dịch cho họ, đề nghị chỉnh sửa lại là “Trường hợp người yêu cầu công chứng mà không mời được phiên dịch thì Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm mời phiên dịch cho họ để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với người dân, nhất là đối với những người không thông thạo tiếng Việt”; (10) Quy định về việc sửa đổi, bổ sung di chúc đã được công chứng tại khoản 3 Điều 55 dự thảo Luật là chưa đúng và chưa đầy đủ, đề nghị thay thế cụm từ “phảithông báo” bằng cụm từ “phải gửi” và chỉnh sửa lại như sau: “… sau khi sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc, thì người lập di chúc phải gửi bản di chúc đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc để cập nhật”; (11) Đề nghị quy định cụ thể thời hạn niêm yết văn bản phân chia di sản ngay ở Điều 56 trong dự thảo Luật để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính chính xác, cụ thể của pháp luật và đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (12) Về giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật, đề nghị bổ sung quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là ban hành các mức giá dịch vụ cụ thể đối với từng công việc như: soạn thảo giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản liên quan đến giao dịch, trên cơ sở đó tổ chức hành nghề công chứng sẽ áp dụng, mà không nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mức giá tối đa đối với dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng; (13) Đề nghị rà soát lại toàn bộ nội dung, chỉnh sửa lỗi chính tả, các câu từ trong dự thảo Luật cho chính xác.

Các ý kiến tham gia, góp ý đối với 02 dự thảo Luật được Liên hiệp hội Hà Giang tổng hợp báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để phản ánh với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để trao đổi thảo luận và kiến nghị với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 20/5/2024./.

Nguồn: https://vusta.vn

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Hội thảo tư vấn, phản biện, tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
icon Góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Địa chất khoáng sản
icon Liên hiệp Hội Hà Giang góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Đất đai và Luật Viễn thông (sửa đổi)
icon Kế hoạch tổ chức Hội thảo chia sẻ, cung cấp thông thông tin về phí BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang
icon Thực trạng công tác tư vấn phản biện (TVPB) của Liên hiệp Hội Hà Giang và một số giải pháp nâng cao chất lượng TVPB trong thời gian tới
icon Một vài ý kiến chia sẻ, bình luận xung quanh về: Điểm 10 nhiều gấp 60 lần - Một kỳ thi không bình thường!
icon "Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang" chưa đảm bảo tính lô gic, khoa học và tính khả thi
icon Liên hiệp Hội Hà Giang phản biện Dự án "Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"
icon Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang tổ chức phản biện dự án "Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website