Liên hiệp Hội Hà Giang góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

 Ngày 05/6/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các Hội thành viên Liên hiệp Hội Hà Giang và các chuyên gia TVPB ở Trung ương và ở tỉnh.

Liên hiệp Hội Hà Giang góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Toàn cảnh Hội thảo TVPB, góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển và thống nhất các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị (2009) và các quy định về quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn tại Luật Xây dựng (2014). Sau nhiều lần tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý, tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung có chọn lọc, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn lần này (phiên bản tháng 5/2024) tương đối hoàn chỉnh và có chất lượng; dự thảo Luật được thiết kế gồm 06 chương, 07 mục, 65 điều đề cập một số điểm mới như: Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; đơn giản hóa trình tự thủ tục hành chính trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; quy định rõ về quy hoạch không gian ngầm; bổ sung quy định về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch; nguồn lực bảo đảm thực hiện quy hoạch và quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khả thi của Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các nội dung, quy định một cách chính xác và cụ thể hơn như sau:

(i) Về tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn”, đồng thời việc sử dụng cụm từ “Quy hoạch đô thị và nông thôn” tại nhiều điều, khoản trong dự thảo Luật có thể gây nên sự hiểu lầm cho người đọc là chỉ có một loại “quy hoạch chung về đô thị và nông thôn”; đặc biệt là việc sử dụng cụm từ “Quy hoạch đô thị và nông thôn” không thống nhất với tên gọi trong Luật Quy hoạch năm 2017 là “Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn”. Vì thế, đề nghị chỉnh sửa tên gọi của dự thảo Luật và trong tất cả các điều, khoản của Luật có sử dụng cụm từ “Quy hoạch đô thị và nông thôn” thành “Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn” để bảo đảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và bảo đảm tính chính xác về ngôn từ.

(ii) Về đối tượng áp dụng, trong dự thảo Luật không quy định đối tượng áp dụng gồm: các cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có liên quan để các cơ quan, tổ chức, cá nhân này biết, thực hiện. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm một Điều vào sau Điều 1 của dự thảo Luật này quy định về đối tượng áp dụng của Luật, nhằm xác định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự áp dụng của Luật.

(iii) Quy định về hệ thống các loại hình quy hoạch và cấp độ quy hoạch của dự thảo Luật là cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, chưa đề cập đến việc quy định “quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”; và “quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn ở các đảo” của nước ta. Vì “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” được quy định tại khoản 1 Điều 110  Hiến pháp năm 2013 và quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Về lãnh thổ, ngoài đất liền, nước ta còn là một Quốc gia có nhiều đảo, trong đó có nhiều đảo lớn như: Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hoà), Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quý (Bình Thuận)… Trên các đảo này vừa có đô thị (thị trấn), vừa có nông thôn (huyện, xã) có các điều kiện đặc thù về địa lý, du lịch, tài nguyên thiên nhiên liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng; Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm loại hình “quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” “quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn ở các đảo” vào hệ thống quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn để đảm bảo Luật đầy đủ.

(iv) Về kinh phí chi cho hoạt động quy hoạch: Điều 10 dự thảo Luật quy định về thu, quản lý, chi kinh phí, ngân sách nhà nước cho các hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn quá cụ thể, gây trùng lặp, chồng chéo, không thống nhất với pháp luật về ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề nghị không nên quy định quá chi tiết, cụ thể về thu, quản lý, chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động quy hoạch như trong dự thảo Luật mà chỉ quy định những vấn đề chưa trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

(v) Về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định tại khoản 1 Điều 12 của dự thảo Luậtchưa đúng, chưa đầy đủ theo quan điểm quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung thêm nội dung cho đầy đủ, phù hợp với quy định của Hiến pháp.

(vi) Về các hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm vào cuối các khoản 3, 7 và 9 Điều 13 dự thảo Luật cụm từ “và các luật khác có liên quan” để bảo đảm việc thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của Luật này và các Luật khác liên quan.

(vii) Quy định về điều kiện điều chỉnh quy hoạch, đề nghị rà soát, quy định rõ hơn, cụ thể hơn và có tính định lượng về mức độ biến động về điều kiện khí hậu, địa chất, thủy văn như thế nào, ảnh hưởng đến quy hoạch đến bao nhiêu phần trăm, với mức độ nghiêm trọng ra sao thì mới cần điều chỉnh quy hoạch” để chỉnh sửa quy định cho chặt chẽ và đảm bảo tính nghiêm minh.

(viii) Về điều khoản thi hành: Dự thảo Luật chỉ dẫn việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế chương, điều, khoản có liên quan đến Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và một số điều, khoản của Luật có liên quan kèm theo nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định tại khoản 1 Điều 63 dự thảo Luật là không phù hợp; mặt khác dự thảo Luật đề cập nhiều nội dung bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế chương, điều, khoản, cụm từ của nhiều Luật liên quan như Điều 63 là chưa đúng, đề nghị bổ sung Danh mục nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các điều, khoản, điểm của các Luật ở phần phụ lục để diễn đạt một cách chính xác và tiện cho việc sử dụng, tra cứu.

(ix) Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm nội dung “Quy định về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn” vào Chương V của dự thảo Luật này để đảm bảo tính đầy đủ, tính nghiêm minh của pháp luật.

(x) Một số nội dung khác đề nghị Cơ quan soạn thảo cần rà soát, chỉnh sửa các lỗi chính tả, câu từ cho chính xác; chỉnh sửa tên các Chương I, II, III cho đúng với quy định kỹ thuật trình bày văn bản; giải thích lại định nghĩa“Thời hạn quy hoạch” phù hợp với khái niệm “Thời kỳ quy hoạch” quy định tại Điều 8 Luật Quy hoạch năm 2017 để quyết định sử dụng định nghĩa chung.

Tất cả các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật được Liên hiệp Hội tỉnh tổng hợp báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để kiến nghị với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Giang

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung của 4 luật
icon Hà Giang: Đưa ra 5 giải pháp phát triển nông nghiệp
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi)
icon Hội thảo tư vấn, phản biện, tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
icon Góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Địa chất khoáng sản
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Địa chất khoáng sản và Luật Công chứng (sửa đổi)
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Đất đai và Luật Viễn thông (sửa đổi)
icon Kế hoạch tổ chức Hội thảo chia sẻ, cung cấp thông thông tin về phí BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang
icon Thực trạng công tác tư vấn phản biện (TVPB) của Liên hiệp Hội Hà Giang và một số giải pháp nâng cao chất lượng TVPB trong thời gian tới
icon Một vài ý kiến chia sẻ, bình luận xung quanh về: Điểm 10 nhiều gấp 60 lần - Một kỳ thi không bình thường!
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website