Thực hiện Công văn số 83/HĐND-VP ngày 14/10/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về việc giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Hà Giang nghiên cứu, phản biện Dự án “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Vừa qua, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã tổ chức Hội nghị tư vấn, phản biện đối với Dự án “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Dự Hội nghị tư vấn, phản biện có các Chuyên gia tư vấn, phản biện ở các cơ quan, Hội ngành trung ương: TS. Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Ủy viên Hội đồng Chính sách Quốc gia, Chủ tịch Tổng Hội Cơ khí Việt Nam; TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương; các nhà khoa học quản lý ở tỉnh; Lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh; đại diện cơ quan chủ trì lập quy hoạch và Đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Viện Chiến lược Chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương.
Toàn cảnh Hội nghị phản biện Dự án “Quy hoạch phát triển ngành
công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”
Dự án “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được đơn vị tư vấn là Viện Chiến lược Chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương phối hợp với Sở Công thương Hà Giang chủ trì soạn thảo. Đây là bản Dự án có chất lượng tốt, đã phản ánh được khá rõ hiện trạng phát triển ngành công nghiệp của tỉnh Hà Giang trong những năm qua; đã chỉ ra được các hạn chế của quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015 và những thách thức cùng các cơ hội, tiềm năng phát triển trong giai đoạn tới. Trên cơ sở luận giải các tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà, bản Quy hoạch đã xây dựng và lựa chọn được kịch bản phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới; từ đó, quy hoạch 4 nhóm ngành trọng tâm, bao gồm: Khai khoáng và luyện kim; Sản xuất và phân phối điện, nước, môi trường; Chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống và Chế biến gỗ, giấy cùng với một số ngành công nghiệp khác. Nhìn chung, nội dung Quy hoạch đưa ra là xác thực, phù hợp với bối cảnh phát triển hiện tại và tương lai; đã thể hiện được mối quan hệ liên kết ngành công nghiệp của tỉnh với các địa phương khác trong khu vực Trung du miền Núi phía Bắc. Các giải pháp đề xuất về cơ bản là phù hợp, góp phần thúc đẩy công nghiệp của tỉnh Hà Giang phát triển đúng định hướng trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, bản dự thảo “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vẫn còn một số hạn chế, khiếm khuyết, đó là: Trong bản Quy hoạch sử dụng thuật ngữ “Cụm” ngành công nghiệp và “Nhóm” các lĩnh vực sản xuất công nghiệp…”, nhưng do không có định nghĩa, giải thích nên gây lầm lẫn, khó hiểu. Thông thường dùng “Cụm” để chỉ tính phân bố theo không gian địa lý như “ khu công nghiệp”, “cụm công nghiệp” chứ không mang tính phân ngành (loại) công nghiệp như trong bản Quy hoạch, mà nên dùng thẳng là “Nhóm ngành…” để không lẫn với khái niệm “Cụm liên kết ngành”. Việc đánh giá về hiện trạng, tiềm năng phát triển cũng như các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh cho phát triển ngành công nghiệp của tỉnh đã được áp dụng trong giai đoạn qua 2000-2014, đặc biệt là giai đoạn 2010-2015 còn sơ sài; chưa tìm ra được nguyên nhân tồn tại hạn chế, yếu kém để làm cơ sở đề xuất các cơ chế, chính sách mới cho phù hợp với giai đoạn tiếp theo đến năm 2020, 2030.
Đơn vị tư vấn trao đổi và tiếp thu ý kiến của Hội đồng phản biện
Định hướng phát triển ngành công nghiệp của tỉnh đưa ra vẫn là phương án phát triển theo chiều rộng mà chưa đúng với chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Phương án quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực công nghiệp còn dàn trải, chưa xác định rõ lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn chủ yếu phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Danh mục các dự án đầu tư phát triển các nhóm ngành: thủy điện, khai khoáng, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng và định hướng phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và 2030 còn khá dàn trải. Bản dự thảo Quy hoạch cần phải được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp và có tính khả thi.
Kết thúc Hội nghị phản biện, chủ đầu tư (Sở Công thương Hà Giang) và đơn vị tư vấn lập dự án: Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương đã tiếp thu tất cả các ý kiến phản biện, góp ý của Hội đồng phản biện Liên hiệp hội để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Dự án trước khi trình UBND và HĐND tỉnh thông qua./.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hầ Giang