Tư vấn, phản biện và giám định xã hội- Nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang

           Tập hợp đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh có thêm căn cứ, cơ sở để xem xét quyết định các vấn đề quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang xác định trong thời gian qua.

          Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Họ là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Quốc gia nào thu hút, tập hợp được chất xám, nắm bắt được công nghệ, Quốc gia đó sẽ có ưu thế thúc đẩy chiến lược phát triển của mình.

Cùng với sự phát triển của xã hội, sẽ kéo theo nhiều vấn đề nẩy sinh trong thực tiễn đòi hỏi có sự tác động của hoạt động quản lý trên các lĩnh vực. Hiệu quả của sự tác động phụ thuộc rất lớn vào mức độ đóng góp, chia xẻ của các cơ quan quản lý, nhà khoa học và các tầng lớn khác trong xã hội. Chính vì vậy, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống xã hội.

Trước yêu cầu thực tiễn, ngày 30 tháng 01 năm 2002, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg, về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và được chỉnh sửa, bổ sung thay thế bằng Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 02 năm 2014. Đây là văn bản pháp lý quan trọng giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắt trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội thời gian qua. Theo đó, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được hiểu: (1) Tư vấn là hoạt động cung cấp tri thức, kinh nghiệm, thông tin, tư liệu cùng với sự phân tích, đánh giá, kiến nghị cho cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền; (2) Phản biện là hoạt động đưa ra nhận xét, đánh giá, phê bình và các khuyến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án với mục tiêu và các điều kiện đã quy định hoặc thực trạng đặt ra; (3) Giám định là hoạt động xác định tính khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi của đề án hoặc một vấn đề, một sự việc cụ thể. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được thực hiện trên cơ sở khoa học, thực tiễn, độc lập, khách quan và không vì mục đích lợi nhuận. Nhằm giúp cho Đảng, Nhà nước có thêm thông tin, căn cứ trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và quyết định đưa vào thực hiện đối với các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, về chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức.

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội- Nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang

Chuyên gia Hội đồng phản biện- Ảnh minh họa

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nền kinh tế chậm phát triển, mặt bằng trình độ dân trí thấp với nhiều thành phần dân tộc. Mặt khác, là tỉnh xa với trung tâm chính trị, kinh tế và khoa học công nghệ lớn của đất nước, nên đội ngũ trí thức của Hà Giang ít có điều kiện cọ sát, tiếp cận và trao đổi thông tin, kinh nghiệm về các hoạt động liên quan đến công tác chuyên môn trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, trí thức có trình độ cao ở các tỉnh miền xuôi thường có tâm lý ngại tham gia đóng góp trí tuệ, chất xám cho công cuộc phát triển của một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như Hà Giang.

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội- Nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang

Hội thảo tư vấn phản biện- Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để củng cố, nâng cao chất lượng của đội ngũ trí thức, làm tốt công tác tổ chức cán bộ ... Đặc biệt từ khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6 tháng 8 năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và Chương trình số 47-CTr/TU, ngày 01 tháng 10 năm 2008 của Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW. Với sự quan tâm vào cuộc  của các sở/ngành, chính quyền địa phương. Đội ngũ trí thức của tỉnh Hà Giang đã từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ-TW của Ban chấp hành Trung Đảng khóa X, tính đến năm 2014, tỉnh Hà Giang có gần 30.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, số cán bộ công chức, viên chức có trình độ từ cao đẳng và đại học trở lên là 17.519 người, chiếm 58,4% so với tổng số CBCCVC. Nhìn chung đội ngũ trí thức của tỉnh trong thời gian qua, mặc dù không tăng nhiều về số lượng nhưng chất lượng đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học tăng từ 19,9 % năm 2008 lên 72,5% năm 2014. Đây là nguồn nhân lực tạo nên sức mạnh thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh. Đồng thời là đội ngũ quan trọng cùng với cộng đồng xã hội tham gia đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án lớn của tỉnh.

 

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội- Nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang

Hoạt động thảo luận nhóm của đội ngũ trí thức- Ảnh minh họa

 Từ khi được thành lập và đi và hoạt động ổn định, với chức năng đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đã xác định và coi việc đẩy mạnh đẩy hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành liên quan, cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thời gian qua hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật đã thu được những kết quả đáng khích lệ trên các vấn đề:

Về cơ chế chính sách: Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trên cơ  sở vận dụng vào điều kiện thực tế tại tỉnh Hà Giang. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2013 về “Quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang”. Quy định đã tập trung làm rõ về: đối tượng bắt buộc phải phải có tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đó là các chính sách, các chương trình, đề án, dự án về phát triển kinh tế xã hội, khoa học và công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường thuộc diện thông qua Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét cho ý kiến hoặc quyết định. Đồng thời quy định rõ thủ tục, trình tự, cách thức xây dựng nhiệm vụ, giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện, chế độ quản lý tài chính và trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan như: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố… trong việc phối hợp thúc đẩy hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Theo đó, đối với các đề án thuộc đối tượng bắt buộc phải tư vấn, phản biện và giám định xã hội và các đề án khác do Liên hiệp hội đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thì trước 30 tháng 10 hàng năm, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng kế hoạch nhiệm vụ và dự toán kinh phí tư vấn phản biện và giám định xã hội gửi Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính thống nhất trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và giao chung vào dự toán của đơn vị theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cũng đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND, ngày 01 tháng 10 năm 2014 về Quy chế phối hợp giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật với các hội thành viên, các sở, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ sự phối hợp trong triển khai các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Đây là những văn bản có tính chấp pháp lý quan trọng, góp phần tháo gỡ  những vướng mắc trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định mà nhiều tỉnh đang gặp phải.  

Về thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Từ năm 2013 đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều văn kiện, đề án, dự án lớn của tỉnh như: đóng góp ý kiến cho Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV nhiệm kỳ 2010-2015; tổ chức lấy ý kiến đóng góp và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); báo cáo và đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 27-NQ/TW của BCH Trung ương khóa X “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; tham gia phản biện Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2025”; Đề án “Thành lập Vườn quốc gia gắn với Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn”; thành lập "Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán. Đặc biệt, năm 2014-2015 đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục và bố trí kinh phí để thực hiện tư vấn, phản biện đối với 05 đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh. Đã tập hợp được đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm ở trung ương và địa phương để tổ chức tư vấn phản biện độc lập đối với 03 đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, gồm: (1) Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; (2) Dự án “Quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020- tầm nhìn đến nhăm 2025”; (3)  Dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Ý kiến phản biện của Hội đồng tư vấn phản biện đã các sở, ngành đồng tình, các chủ đầu tư ghi nhận, tiếp thu chỉnh sửa. Kết quả tư vấn, phản biện đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá cao; Hội đồng nhân dân tỉnh đã xem xét đánh giá, nghi nhận trong chương trình nghị sự tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhìn nhận thực tế quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội thấy còn không ít khó khăn, hạn chế, đó là:

Thứ nhất, mặc dù cơ chế chính sách, các văn bản hướng dẫn về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đã khá đồng bộ. Xong do một số cơ quan, đơn vị còn chưa nhận thức đầy đủ về mục đích của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đặt yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội có thêm cơ sở, luận cứ khoa học độc lập, khách quan trong việc đề xuất, xây dựng, thẩm định, phê duyệt để thực hiện có hiệu quả đối với các cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án, dự án trong thực tiễn. Nên còn chưa chủ động phối hợp đề xuất, kiến nghị xem xét tư vấn, phản biện đối với các nhiệm vụ thuộc diện bắt buộc phải có ý kiến tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.

Thứ 2, đội ngũ trí thức của tỉnh tuy số lượng và chất lượng đã được nâng lên, nhưng tập trung chủ yếu các lĩnh vực: giáo dục đào tạo 72,56%, Y tế 4,8 % (so với tổng số đội ngũ trí thức có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên), các lĩnh vực khác chiến tỉ lệ rất nhỏ, đa phần lại hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, tỉnh còn thiếu các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật; một số các bộ khoa học có kinh nghiệm, từng kinh qua nhiều vị trí trong công tác, khi nghỉ hưu vì những lý do khác nhau nên họ chưa muốn tiếp tục làm việc hoặc một số chuyển nơi cư trú về vùng xuôi… Do đó mức độ tập hợp, lựa chọn chuyên gia tham gia các hội đồng tư vấn, phản biện còn gặp những chăn chở nhất định. Đội ngũ trí thức các Hội ngành Trung ương là một trong những giải pháp được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh quan tâm tập hợp, xong do đặc thù Hà Giang là tỉnh miền núi, xa với Trung tâm hành chính, kinh tế lớn của cả nước, giao thông đi lại khó khăn, nếu không phối hợp tốt với các cơ quan, hội ngành Trung ương, sẽ rất khó khăn trong việc lựa chọn những chuyên gia có kinh nghiệm, tâm huyết cộng tác với tỉnh triển khai các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội;

Thứ 3, Hội thành viên thuộc hệ thống liên hiệp hội còn mỏng; có ít các Hội tính chất của hội chuyên ngành về khoa học và kỹ thuật, một số sở, ngành còn chưa quan tâm chỉ đạo thành lập các hội chuyên ngành để tập hợp đội ngũ trí thức tham gia các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội khi có yêu cầu.

Thứ 4, Các ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp hội hoạt động chủ yếu là kiêm nhiệm, còn dành ít thời gian tham gia đề xuất triển khai các nhiệm vụ tư vấn, phản biện; biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kinh phí dành cho hoạt động của Liên hiệp hội nói cung và danh cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nói riêng còn hết sức hạn hẹp, chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ.

 Từ những những cơ sở khoa học và thực tiễn nêu trên, để hoạt động tư vấn, phản biện và giám định của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tiếp tục được đẩy mạnh, tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đóng góp ý kiến tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh có thêm căn cứ, cơ sở để xem xét quyết định các vấn đề quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ trước mắt nên tập trung triển khai những vấn đề chủ yếu sau:

Một là: Các cấp, các ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, làm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan thống nhất cao về mục đích, hiệu quả, sự cần thiết cần có tư vấn, phản biện đối với các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định;      

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội- Nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang

Diễn đàn đối tác giữa đội ngũ trí thức với đại diện cơ quan chính phủ- Ảnh minh họa

Hai là: Cơ quan Liên hiệp hội cần thực hiện tốt các công tác đoàn kết, tập hợp ngũ trí thức khoa học và công nghệ có kinh nghiệm chuyên môn và quản lý thuộc có các thành phần kinh tế, đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, có tâm huyết để khuyết khích tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tập trung các vấn đề như: (1) Rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng chuyên gia trên các lĩnh vực ngành nghề, trình độ chuyên môn và sở trường của đội ngũ trí thức trong tỉnh; (2) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, các tỉnh lân cận, xây dựng danh mục nhóm chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín, để thuận lợi cho quá trình lựa chọn chuyên gia phản biện đối với các nhiệm vụ phản biện cụ thể; (3) Thực hiện tốt vai trò đoàn kết, điều hòa và củng cố các Hội thành viên thuộc hệ thống Liên hiệp hội, vận động thành lập thêm các hội khoa học và kỹ thuật chuyên ngành; (4) Xây dựng  các diễn đàn khoa học, các hội thảo theo chủ đề đối với những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, gắn với các nội dung, chương trình của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.. thông qua hệ thống website của cơ quan Liên hiệp hội hoặc diễn đàn trực tiếp để đội ngũ trí thức, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh có thể trao đổi thông tin, chia sẽ kinh nghiệm về những vấn đề quan tâm;

Ba là: Rà soát, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định cụ thể hóa Thông tư số 11/2015/TT-BTC, ngày 29 tháng 01 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh theo hướng: Quy định cụ thể chế độ chi trả thù lao mang tính khuyến khích, động viên đối với những chuyên gia Trung ương tham gia hội đồng tư vấn, phản biện và giám định xã hội tại tỉnh miền núi, xa với Trung tâm chính trị kinh tế lớn của đất nước.

Bốn là: hàng năm cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan rà soát, tổng hợp kế hoạch nhiệm vụ và dự toán kinh phí tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm thuộc diện bắt buộc phải có tư vấn, phản biện gửi Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính thống nhất trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và giao chung vào dự toán của đơn vị theo quy định của Luật ngân sách nhà nước để đảm bảo tính chủ động trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện.

Năm là: Cơ quan Liên hiệp hội cần chủ động tham mưu với Tỉnh ủy thành lập tổ chức Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, nhằm tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng đối với hoạt động của Liên hiệp hội. Đồng thời giúp cho Liên hiệp hội có điều kiện kịp thời truyền đạt những tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ trí thức với Đảng xem xét.

Sáu là: Tỉnh cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ, chiêu hiền đối với đội ngũ trí thức, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức hoạt động tôn vinh đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh có nhiều đóng góp, nhằm khích lệ, tạo động lực để họ tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn nữa đối với sự nghiệp phát triển tỉnh nhà./.

                                                                    Tô Đức Hiện

                                                           Tổng thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang

                                                                   

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung của 4 luật
icon Hà Giang: Đưa ra 5 giải pháp phát triển nông nghiệp
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi)
icon Hội thảo tư vấn, phản biện, tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
icon Góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Địa chất khoáng sản
icon Liên hiệp Hội Hà Giang góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Địa chất khoáng sản và Luật Công chứng (sửa đổi)
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Đất đai và Luật Viễn thông (sửa đổi)
icon Kế hoạch tổ chức Hội thảo chia sẻ, cung cấp thông thông tin về phí BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang
icon Thực trạng công tác tư vấn phản biện (TVPB) của Liên hiệp Hội Hà Giang và một số giải pháp nâng cao chất lượng TVPB trong thời gian tới
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website