Hà Giang: Góp ý 2 dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật giá

 Ngày 13/10/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với 02 dự thảo Luật: Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật giá. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các Hội thành viên Liên hiệp Hội Hà Giang và các chuyên gia TVPB ở tỉnh.

Hà Giang: Góp ý 2 dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật giá

Toàn cảnh Hội thảo

Theo các đại biểu, dự thảo 05, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Cơ quan soạn thảo Trung ương xây dựng công phu, bài bản, nội dung tập trung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Luật (sửa đổi) gồm 7 chương, 80 điều, tăng 1 chương và 29 điều so với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; khắc phục bất cập của Luật 2010, nhiều nội dung được bổ sung, sửa đổi như: Quyền của người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được chính thức đưa vào Luật; Luật (sửa đổi) đã bổ sung thêm một Chương về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó có giao dịch trên không gian mạng; hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định cụ thể hơn, trong đó có quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đặc biệt trong Luật (sửa đổi) nay quy định “Người tiêu dùng” chỉ áp dụng cho cá nhân (trong khi Luật 2010 bao gồm cả cá nhân và tổ chức).

Tuy nhiên, để đảm bảo tính dễ tiếp cận, tính cụ thể và tính khả thi của Luật, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo Trung ương tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp lại trật tự, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện nội dung và làm rõ một số quy định trong dự thảo Luật, cụ thể: (i) Bổ sung thêm các khái niệm Người tiêu dùng không chỉ bao gồm cá nhân, mà cả tổ chức”; bổ sung thêm đối tượng áp dụng của Luật bao gồm “cả tổ chức và cá nhân nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa” vào Điều 3 của dự thảo Luật để đảm bảo chính xác, đầy đủ; (ii) Bổ sung nội dung quy định về cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng và quy định cụ thể việc kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp áp dụng cơ chế phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng vào Điều 7 của dự thảo Luật; (iii) Bỏ cụm từ “gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng” tại điểm e, khoản 1 Điều 17 của dự thảo Luật để tránh các cách hiểu khác nhau dẫn tới việc áp dụng pháp luật không chính xác; (iv) Về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị bỏ cụm từ tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì …bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành thì không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức nói chung, mà chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân và pháp nhân thương mại; (v) Bổ sung thêm “quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc xem xét tiếp thu hoặc không tiếp thu việc góp ý kiến của người tiêu dùng về giá cả, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ”; (vi) Bổ sung thêm một Điều quy định nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để làm cơ sở pháp lý cho các Cơ quan quản lý nhà nước (Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp) thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong Chương VI của dự thảo Luật; (vii) Bổ sung thêm một nội dung trách nhiệm của Bộ Công thương là: “Thực hiện giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 của Luật này cho tổ chức xã hội có phạm vi hoạt động trên phạm vi toàn quốc” vào điểm c Khoản 2 Điều 75 của dự thảo Luật; (viii) Bổ sung thêm trách nhiệm cụ thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các bộ liên quan khác như: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Y tế… ; (ix) Đề nghị Cơ quan soạn thảo Trung ương tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi của dự thảo Luật với các Luật hiện hành như: Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm và một số Dự án Luật liên quan đang chuẩn bị trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới như: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi)...

Đối với dự thảo 05, Luật giá gồm 8 Chương, 72 Điều, tăng 3 Chương và 24 Điều so với Luật giá năm 2012. Về cơ bản, các đại biểu nhất trí cao với nhiều nội dung của dự thảo Luật sửa đổi lần này và đề nghị Cơ quan soạn thảo Trung ương tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung cho phù hợp, đảm bảo tính thực thi của Luật, cụ thể: (i) Giải thích rõ khái niệm “giá bất hợp lý” tại điểm c khoản 2 Điều 7 của dự thảo Luật để tránh các suy diễn không phù hợp khi thực thi Luật; (ii) Cần rà soát lại các nội dung tham chiếu việc áp dụng Luật giá với các Luật hiện hành và các Dự án Luật sửa đổi khác có liên quan như Luật đất đai (sửa đổi); Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến cùng với dự án Luật giá sửa đổi; (iii) Đề nghị đổi tên Chương III “Nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước” thành Chương III: “Quản lý nhà nước về giá” hoặc “Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giá” để cho khái quát hơn và cách đặt tên ngắn gọn, chính xác cũng tương tự như cách đặt tên Chương quản lý nhà nước ở nhiều luật khác đã được ban hành; (iv) Không nên quy định “quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá” mà quy định chung là “quản lý nhà nước về giá”, vì tên gọi của Luật là Luật giá, trong đó việc thẩm định giá là một trong những nội dung liên quan đến giá; hơn nữa quy định như vậy sẽ hiểu lầm là giá và thẩm định giá là 02 vấn đề khác nhau; (v) Đề nghị bỏ Điều 18 quy định thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; vì việc quy định nhiệm vụ cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công, giao nhiệm vụ cho cấp dưới là do văn bản dưới Luật (Nghị định của Chính phủ) quy định, không phải do Luật quy định; (vi) Đề nghị làm rõ quy định cụ thể “tài nguyên quan trọng”, “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ….. ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, đời sống người dân…” thì sẽ do Nhà nước định giá quy định tại Điều 25 của dự thảo Luật để tạo thuận lợi khi thực hiện và bảo đảm tính khả thi các quy định của Luật; (vii) Đề nghị không nên đưa vào dự thảo Luật quy định về “kinh hỗ trợ phí cho các hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và hoạt động quản lý điều hành giá” tại khoản 1 Điều 42 dự thảo Luật; sẽ dẫn đến có 02 nguồn kinh phí cho các hoạt động nêu trên, và sẽ tạo nên sự bất hợp lý, không công bằng; (viii) Kiến nghị bổ sung thêm một Điều quy định về xử lý vi phạm pháp luật về giá; các quy định về việc khiếu nại, tố cáo; quy định về thẩm quyền, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giá.

Các ý kiến tham gia, góp ý đối với 2 dự thảo Luật được Liên hiệp Hội Hà Giang tổng hợp báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để phản ánh về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối tháng 10 năm 2022./.

                                                            Cao Hồng Kỳ, Chủ  tịch Liên hiệp Hội Hà Giang

 

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định năm 2022 của Liên hiệp Hội Việt Nam
icon Hà Giang: Liên hiệp Hội phản biện chính sách phát triển du lịch của tỉnh
icon Kết quả phản biện Đề án "Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030" nhìn từ góc độ khoa học là cơ sở
icon Liên hiệp hội Hà Giang phản biện "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"
icon Kết quả phản biện "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" nhìn từ góc độ khoa học
icon Kết quả phản biện đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020"
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website