Kết quả phản biện Đề án "Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030" nhìn từ góc độ khoa học là cơ sở

 Thực hiện Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 04/3/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt và giao nhiệm vụ cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang tổ chức phản biện độc lập đối với Đề án “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030”; căn cứ Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND, ngày 02/01/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang.

Ngày 09/10/2015, tại Phòng họp 301, Hội trường lớn HĐND-UBND tỉnh Hà Giang, Hội đồng phản biện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị phản biện Đề án “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang chủ trì, phối hợp với nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Viện Chính sách công - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh soạn thảo.

Tham dự Hội nghị phản biện có các chuyên gia tư vấn, phản biện đến từ các Hội ngành Trung ương: TS. Ngô Văn Hải, nghiên cứu viên cao cấp, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - Liên hiệp hội Việt Nam; TS. Hoàng Ngọc Phong, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoach và Đầu tư, Tổng thư ký Hội Kinh tế Việt Nam; TS. Nguyễn Công Mỹ, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Trưởng Ban Thông tin và Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà khoa học, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, chuyên môn ở tỉnh Hà Giang.

Kết quả phản biện Đề án

Hội nghị phản biện Đề án Tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang

Về phía đơn vị tư vấn có ông Nguyễn Tiến Lợi, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang, cơ quan chủ trì xây dựng Đề án; TS. Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách công và ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - nhóm nghiên cứu soạn thảo Đề án. Dự Hội nghị phản biện còn có các đồng chí lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh: Tài chính, Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch; Nội vụ; Lao động TBXH; Phóng viên Báo Hà Giang; Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang.

Mục đích nhằm tập hợp các ý kiến, cung cấp thêm các luận cứ khoa học, độc lập khách quan giúp cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang có được góc nhìn tổng quan trước khi xem xét phê duyệt Đề án; đồng thời giúp cho Cơ quan chủ trì soạn thảo và Đơn vị tư vấn lập Đề án tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nội dung bản Đề án đảm bảo đầy đủ, khoa học và có tính khả thi.

Theo ý kiến của Hội đồng phản biện: Báo cáo “Tái cấu trúc kinh tế tỉnh Hà Giang: Cải thiện năng suất để tăng tính cạnh tranh” do Cơ quan chủ trì và nhóm nghiên cứu tư vấn soạn thảo là bản Báo cáo khoa học làm cơ sở nghiên cứu phục vụ cho việc xây dựng Đề án “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030” chứ không phải là một bản Đề án “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030” mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang tham mưu giúp Tỉnh xây dựng Đề án (như Quyết định số 1936/QĐ-UBND ngày 30/9/2014 và Quyết định số 40/QĐ-UBND ngày 12/01/2015 của UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Giang triển khai, thực hiện).

Hội đồng phản biện đã đánh giá việc hoàn thành bản Báo cáo “Tái cấu trúc kinh tế tỉnh Hà Giang: Cải thiện năng suất để tăng tính cạnh tranh” là sự cố gắng, nỗ lực lớn của nhóm tác giả nghiên cứu thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Viện Chính sách công - Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh từ Thành phố Hồ Chí Minh đã lên đến tận Hà Giang, nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc để giúp tỉnh Hà Giang trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xây dựng Báo cáo “Tái cấu trúc kinh tế tỉnh Hà Giang: Cải thiện năng suất để tăng tính cạnh tranh” như một bản Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, 2020-2025 của tỉnh Hà Giang với các thông tin cập nhật, có so sánh theo thời gian và so sánh nhiều mặt giữa sự phát triển của tỉnh Hà Giang và các địa phương trong vùng miền Núi phía Bắc.

Báo cáo đã cố gắng chỉ ra các điểm mạnh và các tương tác để phát huy, tạo ra các đột phá về phát triển trên địa bàn tỉnh, từ đó đề xuất các hướng ưu tiên tái cơ cấu nền kinh tế cho tỉnh Hà Giang như: Tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu các ngành kinh tế. Báo cáo đã đề xuất một số ý tưởng về phát triển kinh tế, thực hiện tái cơ cấu nói chung trong giai đoạn 2015-2020, giai đoạn 2020-2025 và đẩy mạnh du lịch bằng phương án đầu tư tạo bước đột phá cho cụm ngành du lịch của tỉnh.

Tuy nhiên, có lẽ do hạn chế về mặt thời gian và quá xa về khoảng cách địa lý giữa Hà Giang và Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu về điều kiện về tự nhiên, kinh tế xã hội, những tiềm năng, lợi thế, nền kinh tế của địa phương có rất nhiều đặc điểm đặc thù, khác biệt so với các vùng miền khác trong cả nước, nên bản Báo cáo “Tái cấu trúc kinh tế tỉnh Hà Giang: Cải thiện năng suất để tăng tính cạnh tranh” được trình bày rất rộng, mang nặng khung lý thuyết mà chưa làm rõ được hướng tái cơ cấu kinh tế cụ thể cho Hà Giang; Báo cáo cũng còn nhiều mặt hạn chế kể cả về mặt nội dung và bố cục, cụ thể như sau:

 Báo cáo chuyên đề “Tái cấu trúc kinh tế tỉnh Hà Giang: Cải thiện năng suất để tăng tính cạnh tranh” trong phân tích dựa trên khung phân tích về năng lực và lợi thế cạnh tranh của Giáo sư Michael Porter, Đại học Harvard - Mỹ. Mô hình Kim cương Porter là một khuôn khổ lý thuyết kinh tế đa diện giúp nắm được điểm mạnh và điểm yếu của môi trường kinh doanh trong một vùng lãnh thổ. Mô hình này phân tích các yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh và đánh giá xem một quốc gia hay vùng lãnh thổ có môi trường kinh doanh lành mạnh hay không. Cách tiếp cận bằng khung phân tích của Michael Porter là phương pháp mới, nó đang được sử dụng phổ biến trong xác định chỉ số PCI nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, khi sử dụng để nhận định đánh giá chủ yếu bằng các nhận định, các dẫn liệu thứ cấp không được cập nhật (nhiều con số dẫn liệu trong Báo cáo đã quá cũ và không chính xác). Trong Báo cáo chủ yếu sử dụng số liệu của những năm trước 2011-2012, rất ít số liệu năm 2013 và 2014. Việc sử dụng số liệu thứ cấp, đặc biệt là số liệu thống kê nhưng lại không có sự phúc tra, thẩm định cần thiết dẫn đến làm giảm độ tin cậy của Báo cáo nghiên cứu. Thêm vào đó là việc ca ngợi và quá nhấn mạnh sự cao siêu, thần bí của phương pháp này và nếu phân tích sự phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho Hà Giang mà chỉ dựa vào một lý thuyết về lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của Michael Porter thì dù có mặt đúng, xong hoàn toàn không đầy đủ. Bởi vì, khi đề cập tới tái cơ cấu phải dựa trên các Lý thuyết về kinh tế học phát triển, Lý thuyết về phân vùng quy hoạch kinh tế, về hiệu quả, tính cạnh tranh và năng lực cạnh tranh mà Lý thuyết về cạnh tranh của Michael Porter chỉ là một trong số đó. Trong Báo cáo nghiên cứu cần phải sử dụng các phương pháp nghiên cứu tổng hợp để giải quyết vấn đề; cũng có thể sử dụng khung phân tích Michael Porter để tiếp cận vấn đề, xong nội dung này cần đưa vào phần phụ lục để tham khảo như một hướng chính sách cần được phân tích sâu nhằm để làm rõ thêm. Hơn nữa, khi lập Đề án tái cơ cấu kinh tế trên một địa phương cụ thể như Hà Giang, nhất là trong điều kiện hiện nay, Báo cáo cần phải đánh giá, phân tích sâu hơn về tình hình thực hiện nhất là thực trạng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang trong thời gian qua (sau hơn 4 năm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước) về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện phát triển bền vững đã được vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Hà Giang; cần phải phân tích chỉ rõ các mặt được, chưa được, nguyên nhân của các thành công, chưa thành công trong việc thực hiện các Chương trình, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt trọng tâm là thực hiện 4 đổi mới, 8 đột phá và 15 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra. Đó là một trong những căn cứ rất quan trọng cho việc xây dựng Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế tỉnh Hà Giang trong tương lai. Nếu cần có thể dùng phương pháp quen thuộc “ma trận SWOT” để phân tích các quan hệ cặp đã biết của các mặt mạnh, yếu, cơ hội, thách thức…, làm rõ trong “nguy” để có “cơ” (hội) nắm bắt và tiến lên. Các phân tích này, không chỉ dừng lại ở góc độ tổng thể toàn tỉnh, mà cần phải phân tích kỹ cho các địa bàn, các tiểu vùng cụ thể trong tỉnh như: vùng cao núi đá 4 huyện phía Bắc, vùng cao núi đất 4 huyện phía Tây và vùng núi thấp - vùng động lực của tỉnh Hà Giang để thấy rõ các đặc điểm đặc thù, cũng như các phân ngành để có sự chỉ đạo chung. Chẳng hạn, không chỉ phân tích về sự tụt hậu về tốc độ tăng trưởng, mà đi vào cơ cấu kinh tế theo ngành, theo tiểu vùng kinh tế; cơ cấu lao động gắn với chất lượng nguồn nhân lực; cơ cấu sở hữu gắn với truyền thống của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Hà Giang; sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát, điều hành của HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp tổ chức thực hiện của các ngành, cấp đối với sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong thời gian qua. Do nhóm tác giả quá lệ thuộc vào một lý thuyết (dù rất hay), xong bản Báo cáo chuyên đề “Tái cấu trúc kinh tế tỉnh Hà Giang: Cải thiện năng suất để tăng tính cạnh tranh” thể hiện còn rất nghèo nàn và không phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, khu vực để có các giải pháp đa dạng, phù hợp với thực tế của tỉnh Hà Giang mà không phải là các giải pháp chung chung, nhất loạt như ở trong Báo cáo nghiên cứu này.

Kết quả phản biện Đề án

TS. Hoàng Ngọc Phong phát biểu tại Hội nghị phản biện Tái cơ cấu kinh tế

Hội đồng phản biện đã đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo, Đơn vị tư vấn lập Đề án “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030” cần phải kết cấu, trình bày lại bản Đề án cho phù hợp với thực tế. Nội dung của bản Đề án cần phải bám sát và làm rõ được các nội dung là “tái cơ cấu kinh tế”, “đổi mới mô hình tăng trưởng” và “phát triển bền vững”.

Đề án cần phải đánh giá sâu hơn về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt trọng tâm sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện phát triển bền vững. Các phân tích này không chỉ dừng lại ở góc độ tổng thể cho toàn tỉnh, mà cần phải phân tích, đánh giá sâu cho từng địa bàn, tùng tiểu vùng, từng lĩnh vực và thể hiện rõ rõ được đặc điểm đặc thù cho từng vùng, từng lĩnh vực cụ thể của Hà Giang.

Đề án cần phân tích sâu vào các khía cạnh của tái cơ cấu với quan điểm “động”, cần nhìn nhận sự vận động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang trong sự vận động chung của cả quốc gia. Trong phương án Tái cơ cấu kinh tế cần phải nêu rõ các cân đối tổng thể về nguồn lực và nguồn đầu tư, kể cả huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân ở trong và ngoài tỉnh.  

Đề án cần phân tích sâu hơn về mô hình tăng trưởng phát triển mới của tỉnh Hà Giang nên như thế nào, khác mô hình cũ ở chỗ nào để bảo đảm sự phát triển bền vững trong dài hạn. Phân tích và chỉ rõ việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp, cây con, đặc sản, trong việc chế biến sản phẩm nông nghiệp để nâng cao thêm tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh. Các công trình trọng điểm của tỉnh và các tiểu vùng trong 5 năm tới là gì để tạo thế cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó du lịch là một điểm nhấn.

Đề án cần phải xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đặc điểm vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên định hướng phát triển của Hà Giang sẽ là dịch vụ, du lịch phải trở thành ngành mũi nhọn với lợi thế “Công viên địa chất toàn cầu”, trong Đề án cần đề xuất cơ chế, chính sách đột phá để các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch cao cấp quốc gia và quốc tế về sinh thái, văn hoá dân tộc, khám phá, khoa học. Từng bước hình thành các chuỗi dịch vụ du lịch đa dạng trong tỉnh, kết nối với các tỉnh trong vùng hình thành một không gian chung cho kinh tế du lịch, kết nối chặt chẽ với quốc tế. Trong nông nghiệp cần phải tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển mạnh sản phẩm chủ lực chè, dược liệu và hoa quả đặc sản; xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm chủ lực theo hướng chế biến chuyên sâu, kết nối thị trường, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập của người sản xuất. Sản xuất lâm nghiệp theo mô hình liên kết giữa chế biến lâm sản gắn với phát triển rừng - bảo vệ biên giới. Về công nghiệp: Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng chế biến sâu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Đề án cũng cần phải xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) và tầm nhìn đến năm 2030 dựa trên tác động lan tỏa của các vùng kinh tế động lực. Trong phát triển lãnh thổ cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ tạo sự kết nối liên thông mà còn phải quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội như: giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển lĩnh vực y tế, vệ sinh môi trường, nước sạch, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, bình đẳng giới, văn hóa, du lịch trong từng tiểu vùng, nhất là khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa. Định hướng phát triển kinh tế và phân bổ nguồn lực cho các vùng trong tỉnh cũng cần phải được nêu cụ thể hơn và làm rõ hệ thống các giải pháp, chương trình, dự án thực hiện để Đề án đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả, đặc biệt là giải pháp về phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu phải là điểm nhấn, khâu đột phá trong phát triển kinh tế cho tỉnh Hà Giang.

Trong khi ngân sách của Tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn hẹp, nhưng tỉnh Hà Giang vẫn phải đầu tư kinh phí để thực hiện Báo cáo nghiên cứu này là quá lãng phí. Vấn đề tỉnh Hà Giang đang cần xây dựng một bản Đề án “Tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030” hoàn chỉnh với các phương án tái cơ cấu nền kinh tế của địa phương theo đúng yêu cầu chỉ đạo tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ; xác định được hướng tái cơ cấu kinh tế, các lĩnh vực đột phá phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, các bước đi cụ thể, các giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp, khả thi nhằm đạt được những mục tiêu tái cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn và các Sở, ban ngành của tỉnh triển khai, thực hiện theo Quyết định số 1936/QĐ-UBND ngày 30/9/2014, làm cơ sở xây dựng Chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.

Kết quả phản biện Đề án

Cơ quan chủ trì, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của Hội đồng phản biện

Những ý kiến phản biện khoa học nhìn từ góc độ nhiều phía sẽ là nội dung tư vấn giúp cho cơ quan chủ trì và đơn vị tư vấn soạn thảo tiếp thu để chỉnh sửa, hoàn thiện bản Đề án đảm bảo đầy đủ, khoa học và có tính khả thi trước khi trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt.

Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định năm 2022 của Liên hiệp Hội Việt Nam
icon Hà Giang: Liên hiệp Hội phản biện chính sách phát triển du lịch của tỉnh
icon Hà Giang: Góp ý 2 dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật giá
icon Liên hiệp hội Hà Giang phản biện "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"
icon Kết quả phản biện "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" nhìn từ góc độ khoa học
icon Kết quả phản biện đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020"
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website