Liên hiệp hội Hà Giang phản biện "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"

Ngày 25/5/2015, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) Hà Giang đã tổ chức hội nghị phản biện "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2015, định hướng đến năm 2030" do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang (Đơn vị chủ trì) và Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Đơn vị tu vấn) chủ trì soạn thảo.

Liên hiệp hội Hà Giang phản biện

Toàn cảnh Hội nghị phản biện "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"

Tham dự hội nghị phản biện "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" có các thành viên Hội đồng phản biện là các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn phản biện đến từ các Hội ngành Trung ương: GS.TSKH. Vũ Quang Côn, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh Vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và một số chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý của tỉnh Hà Giang; tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang) và đại diện Đơn vị tư vấn lập quy hoạch (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam).

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do đơn vị chủ trì soạn thảo (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang) được coi là bản quy hoạch trung hạn đầu tiên về lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bản quy hoạch đã được lập khá đầy đủ, chi tiết, số liệu và tài liệu tham khảo rất phong phú, thể hiện có sự đầu tư về thời gian, công sức trí tuệ cho báo cáo. Kết cấu của Báo cáo quy hoạch gồm 186 trang, 44 bảng biểu số liệu, 14 bản đồ và 36 tài liệu tham khảo thể hiện tính công phu, chi tiết và tỉ mỷ của báo cáo. Bố cục, nội dung của Báo cáo quy hoạch đều căn cứ dựa trên các văn bản có tính pháp quy hiện hành như: Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Nghị định số 65/2010/NĐCP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học. Bản báo cáo "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" đã đánh giá được thực trạng các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội phục vụ cho việc lập quy hoạch; xác định được quan điểm, mục tiêu và đưa ra được 03 phương án quy hoạch, 07 nhóm giải pháp, 11 danh mục các dự án ưu tiên cho giai đoạn 2015-2020 và 18 dự án ưu tiên cho giai đoạn 2021-2030 để thực hiện phương án quy hoạch. Khi quy hoạch được phê duyệt sẽ là căn cứ pháp lý để các ngành chức năng của tỉnh quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm bảo tồn và nâng cao tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, đồng thời nâng cao công tác quản lý, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái, các loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng, bảo tồn các nguồn gen, cây thuốc quý hiếm của tỉnh có giá trị kinh tế cao, phục vụ phát triển bền vững cho đất nước và cho tỉnh Hà Giang.

Liên hiệp hội Hà Giang phản biện

Chuyên gia tham gia ý kiến phản biện Quy hoạch đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang

Mặc dù bản Quy hoạch được xây dựng khá đầy đủ, chi tiết, công phu. Xong, các chuyên gia tư vấn, phản biện đã đánh giá: Bản quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế về chất lượng, chưa có đủ độ tin cậy về khoa học, tính khả thi không cao; báo cáo viết quá tản mạn, kết cấu bố cục báo cáo mất cân đối; số liệu, dẫn liệu trong báo cáo không được trích dẫn rõ cơ sở, nguồn gốc; thiếu danh sách những tác giả tham gia chính xây dựng quy hoạch; chưa nói rõ cách tiếp cận, các phương pháp nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; chưa chỉ rõ kế hoạch tổ chức điều tra, khảo sát, kế hoạch phối hợp tổ chức triển khai lập quy hoạch. Mặt khác, sản phẩm của Báo cáo quy hoạch thiếu các tập bản đồ về hiện trạng, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái chi tiết cho từng khu vực theo đúng quy phạm thành lập bản đồ; thiếu các báo cáo chuyên đề, báo cáo nghiệm thu về kết quả điều tra hiện trạng đa dạng sinh học, hệ sinh thái cũng như các bằng chứng để chứng minh được kết quả điều tra hiện trạng đa dạng sinh học, hệ sinh thái của tỉnh như tài liệu hội thảo, văn bản nghiệm thu của Hội đồng ngành, hình ảnh, âm thanh, tiêu bản thu thập được vv. Do vậy, báo cáo bị nghi ngờ, chưa có tính thuyết phục và chưa đảm bảo tính khả thi. Phương pháp xây dựng đề xuất phương án quy hoạch, cơ sở luận cứ khoa học để lựa chọn phương án quy hoạch tối ưu cho tỉnh Hà Giang chưa thực sự khoa học; một số nội dung của phương án quy hoạch (phương án chọn) chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Báo cáo quy hoạch còn rườm rà, dài dòng, nội dung chưa đạt được mục tiêu là một bản Quy hoạch và Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học cho tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Liên hiệp hội Hà Giang phản biện

Ý kiến tiếp thu giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo

Hội đồng phản biện đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo cần lưu ý sửa chữa, bổ sung và khắc phục các nội dung sau:

          Đề nghị bổ sung cách tiếp cận và phương pháp xây dựng quy hoạch; trong đó cách tiếp cận dựa trên hệ sinh thái là cách tiếp cận quan trọng trong phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và quy hoạch lãnh thổ cũng chưa được đề cập tới. Do vậy, đề nghị cần phải chỉnh sửa, bổ sung đầy đủ trong báo cáo.

          Các số liệu trong báo cáo quy hoạch, cả phần phụ lục không đề cập rõ nguồn. Mặc dù trong dự thảo báo cáo có chỉ dẫn đây là các dẫn liệu tổng hợp thống kê. Tuy nhiên, vẫn phải chỉ rõ nguồn gốc các số liệu, tài liệu (đơn vị công bố số liệu và thời gian công bố số liệu) được cung cấp sử dụng cho báo cáo quy hoạch để khẳng định các con số trong quy hoạch đảm bảo chính xác, khoa học và có đủ độ tin cậy. Ngoài ra cũng cần phải bổ sung số liệu cập nhật mới nhất hiện nay cho dự thảo báo cáo quy hoạch.

          Phần tài liệu tham khảo sử dụng cho báo cáo quy hoạch là quá ít và trình bày tài liệu tham khảo cũng chưa rõ ràng. Đề nghị trình bày tài liệu tham khảo theo quy chuẩn như tên cơ quan (tên tác giả), năm công bố (phát hành), tên tài liệu, nơi xuất bản (nhà xuất bản), trang số.

          Trong báo cáo nhiều chỗ có ghi kết quả điều tra cho thấy...Nếu có điều tra, khảo sát thật thì cũng phải chỉ rõ phương pháp điều tra thực hiện lập quy hoạch, kèm theo bằng chứng cụ thể. Đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo cần phải xem lại.

          Hệ thống bản đồ cho báo cáo quy hoạch khá phong phú với 14 bản đồ, trong đó có 12 bản đồ tỷ lệ 1/100.000 cho các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu bảo vệ cảnh quan. Tuy nhiên, đó chỉ là bản đồ địa hình thông thường mà những đặc trưng cần bảo tồn của các khu vực đó, nội dung cốt lõi của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái hay thông tin hệ sinh thái, nguồn gen động, thực vật quý hiếm chưa được thể hiện trên các loại bản đồ quy hoạch. Đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo lựa chọn những thông tin cần thiết để thể hiện trên bản đồ các khu bảo tồn theo quy định. Đề nghị bổ sung thêm các bản đồ quy hoạch hành lang đa dạng sinh học, quy hoạch bảo vệ các hệ sinh thái, quy hoạch bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ các nguồn gen quý hiếm của tỉnh. 

          Phần phụ lục đa dạng loài cần tổng hợp riêng cho từng khu vực bảo tồn trong tỉnh, không nên trình bày theo nhóm, loài như trong phụ lục của báo cáo.

          Bố cục báo cáo cần phải xắp xếp theo số thứ tự tên các đề mục đảm bảo khoa học; thủy vực của các con sông phải được sắp thứ tự theo hướng từ thượng nguồn tới hạ nguồn; các lỗi chính tả khác cần phải được rà soát và chỉnh sửa.

          Đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo bổ sung thêm phần đánh giá hiệu quả của phương án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học về các nội dung: kinh tế - xã hội, môi trường, khoa học. Bổ sung đánh giá yếu tố rủi ro khi không thực hiện được phương án. 

Những ý kiến đóng góp tại hội nghị phản biện sẽ là nội dung tư vấn giúp cho cơ quan chủ trì soạn thảo (Sở Tài nguyên và Môi trường) và đơn vị tư vấn lập quy hoạch (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) có thêm các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn khách quan để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nội dung Báo cáo "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" đảm bảo chất lượng, đầy đủ, thực tiễn và có tính khả thi trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Cao Hồng Kỳ, PCT Thường trực Liên hiệp hội Hà Giang

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định năm 2022 của Liên hiệp Hội Việt Nam
icon Hà Giang: Liên hiệp Hội phản biện chính sách phát triển du lịch của tỉnh
icon Hà Giang: Góp ý 2 dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật giá
icon Kết quả phản biện Đề án "Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030" nhìn từ góc độ khoa học là cơ sở
icon Kết quả phản biện "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" nhìn từ góc độ khoa học
icon Kết quả phản biện đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020"
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website