Kết quả phản biện "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" nhìn từ góc độ khoa học

Thực hiện Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 04/3/2015 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt và giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang tổ chức phản biện độc lập đối với “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030"; Quyết định số 384/QĐ-UBND, ngày 10/3/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Hội đồng phản biện "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".

Ngày 13/4/2015, tại Phòng họp 301, Hội trường lớn HĐND-UBND tỉnh Hà Giang, Hội đồng phản biện (Liên hiệp hội Hà Giang) đã tổ chức hội nghị, hội thảo mở rộng nhằm lấy ý kiến tư vấn, phản biện đối với Báo cáo "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" (sau đây gọi là Quy hoạch), do Trung tâm Tư vấn Phát triển và Đào tạo, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang chủ trì soạn thảo.

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn, phản biện đến từ các hội ngành Trung ương: PGS. TS. Phạm Bích San, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tư vấn và Phát triển (Liên hiệp hội Việt Nam), TS. Hàn Mạnh Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lý (Liên hiệp hội Việt Nam) và một số chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thuộc các lĩnh vực kinh tế, nông lâm nghiệp, công nghiệp, văn hóa xã hội của tỉnh.

Kết quả phản biện

Hội thảo tư vấn, phản biện "Quy hoạch tổng thể phát triển

KT-XH tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030"

Sau một thời gian nghiên cứu, các thành viên của Hội đồng phản biện đã chuẩn bị báo cáo phản biện hết sức kỹ lưỡng, có hàm lượng khoa học cao, với nhiều thông tin khách quan, đáng tin cậy. Mục đích của hội thảo nhằm tham mưu, cung cấp các cơ sở, luận cứ khoa học độc lập, khách quan để giúp cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có góc nhìn tổng quan trước khi thông qua, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bản Quy hoạch này; đồng thời cũng giúp cho Cơ quan chủ trì soạn thảo (Sở Kế hoạch và Đầu tư), Đơn vị tư vấn lập Quy hoạch có thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn khách quan để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung bản "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030" đảm bảo tính khoa học, khả thi.

Theo ý kiến nhận xét của Hội đồng phản biện: Bản dự thảo Báo cáo “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được đầu tư xây dựng khá công phu, nghiêm túc; hình thức, cấu trúc, nội dung bản dự thảo Báo cáo quy hoạch được tuân thủ theo đúng quy định tại các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Báo cáo đã được nghiên cứu, luận chứng khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực cả về tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong những năm qua; đã xác lập được các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển chung cho tỉnh trong những năm tới; phương án Quy hoạch đã được đặt trong mối quan hệ tác động, ảnh hưởng và liên kết qua lại với các tỉnh trong vùng Trung du Miền núi Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; đã kế thừa và tổng hợp kết quả điều tra, nghiên cứu trong nhiều năm của các ngành ở trung ương và địa phương cũng như Quy hoạch tổng thể của tỉnh Hà Giang trước đây; đã phân tích được những tiềm năng, lợi thế và bất lợi, từ đó đưa ra được Phương án quy hoạch cùng với đề xuất được nhiều vấn đề quan trọng, chủ yếu về định hướng phát triển kinh tế xã hội. Báo cáo đã đưa ra được 06 giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch, gồm: Vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển; mở rộng hợp tác liên kết phát triển vùng, tích cực hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Số liệu, tài liệu sử dụng trong Quy hoạch là phong phú; ngoài việc sử dụng số liệu thống kê, Đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn sử dụng các kết quả điều tra, phân tích của các tổ chức khác (chỉ số PCI, PAPI); việc sử dụng cách tiếp cận phương pháp SWOT (Strengths Weaknesses Opportunities and Threats - Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức) đã thể hiện cách tiếp cận mới của việc lập quy hoạch. 

Kết quả phản biện

PGS. TS. Phạm Bích San, Chuyên gia TVPB Liên hiệp hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo


        Tuy vậy, nhìn tổng thể bản dự thảo Báo cáo “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" chưa sát với điều kiện thực tế, khả năng của một tỉnh còn nhiều khó khăn; phương pháp luận còn thiếu cơ sở khoa học; định hướng, giải pháp tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, chưa mang tính đột phá, chưa đảm bảo tính khả thi cao. Phương án quy hoạch chưa đạt được mục tiêu đề ra là một bản Quy hoạch thực chất làm công cụ chiến lược hữu hiệu cho hoạt động quản lý, điều điều hành phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong những năm tới và cung cấp những thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Kết quả phản biện

TS. Nguyễn Thị Bình phát biểu tại hội nghị, hội thảo TVPB

Hội đồng phản biện đã đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo, Đơn vị tư vấn lập quy hoạch chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nội dung bản Báo cáo “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" theo hướng: Bổ sung thêm các văn bản chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của các Bộ, ngành trung ương có tính định hướng cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2015-2020 làm cơ sở cho việc lập Quy hoạch. Ví dụ: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015; dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Phân tích, đánh giá sâu hơn thực trạng, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong 10 năm qua giai đoạn (2005-2015) để rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và các vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian 5-10 năm tới (2015-2025) cho tất cả các lĩnh vực; trong đó trọng tâm là kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra gắn với các chương trình, mục tiêu cụ thể của tỉnh: 04 đổi mới, 08 đột phá, 15 chương trình trọng tâm, 19 chỉ tiêu chủ yếu và 07 nhóm giải pháp thực hiện. Báo cáo cũng cần bổ sung thêm phần đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thu hút đầu tư, khả năng cân đối ngân sách của tỉnh so với nhu cầu quy hoạch mà trọng tâm vào 04 lĩnh vực: Phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển nông lâm nghiệp; xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực của Hà Giang. Từ đó xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan chưa đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, làm cơ sở cho việc xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó tập trung làm rõ các giải pháp có tính trọng yếu để thực hiện các đột phá, chương trình ưu tiên của tỉnh như: Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ (Quốc lộ 2 Hà Giang - Tuyên Quang; Quốc lộ 279 Hà Giang - Phố Ràng - Lào Cai); khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng Cao nguyên đá Đồng văn, Công viên Địa chất toàn cầu cho phát triển du lịch; quan tâm cơ chế chính sách đào tạo lao động đi đôi với giải quyết việc làm; xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái; tập trung phát triển cây chè, cây dược liệu có thế mạnh của tỉnh như thảo quả, đỗ trọng, quế vv; phát triển con bò vàng và thương hiệu ong bạc hà vùng cao. Từ đó khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các tiềm năng thế mạnh cũng như các yếu tố không thuận lợi với sự phát triển của tỉnh. Hội đồng phản biện cũng đề nghị cơ quan chủ trì, đơn vị tư vấn soạn thảo cần bổ sung thêm phụ lục các bảng, biểu tổng hợp vốn đầu tư cho từng lĩnh vực, từng giai đoạn quy hoạch, cùng với danh mục các dự án đầu tư ưu tiên của tỉnh giai đoạn 2015-2020 và giai đoạn 2020-2025.

Kết quả phản biện

 Đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của Hội đồng phản biện

Những ý kiến phản biện nhìn từ góc độ nhiều phía sẽ là nội dung tư vấn giúp cho Đơn vị chủ trì lập Quy hoạch chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo tổng hợp “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo tính khả thi.

Cao Hồng Kỳ, PCT thường trực Liên hiệp hội Hà Giang

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định năm 2022 của Liên hiệp Hội Việt Nam
icon Hà Giang: Liên hiệp Hội phản biện chính sách phát triển du lịch của tỉnh
icon Hà Giang: Góp ý 2 dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật giá
icon Kết quả phản biện Đề án "Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030" nhìn từ góc độ khoa học là cơ sở
icon Liên hiệp hội Hà Giang phản biện "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"
icon Kết quả phản biện đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020"
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website