BHG- Ngày 9.11, Ban tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh năm 2015 đã tổ chức buổi triển lãm Hà Giang mùa hoa Tam giác mạch tại số 93, Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội (thời gian từ ngày 9 – 20/11). Tham dự có các đồng chí: Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở VH,TT&DL tỉnh; Vụ địa phương 1, Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện Đại sứ quán Úc; lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện một số doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội.
|
Đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu với du khách về thông tin du lịch Hà Giang.
|
Triển lãm là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ của Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh lần thứ nhất. Đây là nơi tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh mảnh đất, con người và văn hóa Hà Giang, nhất là ở vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn đến với du khách trong nước và quốc tế. Thông qua đó Hà Giang mong muốn sẽ xây dựng thương hiệu du lịch đặc thù cho tỉnh. Đồng thời, cũng là dịp tôn vinh, ca ngợi con người vùng CNĐ trong xây dựng và phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phên dậu của Tổ quốc. Đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Buổi triển lãm không chỉ giới thiệu về CNĐ Đồng Văn, mà còn muốn du khách và người dân thủ đô hiểu sâu hơn về con người và vùng đất Hà Giang. Qua đây, là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, phát triển về du lịch theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 – 2020)”.
Buổi triển lãm tập trung toàn bộ thông tin về du lịch, các địa điểm nhà hàng, khách sạn đáng tin cậy, tour, tuyến ngắn ngày; hình ảnh, bưu thiếp về phong cảnh, phong tục, lễ hội các dân tộc ở Hà Giang. Và giới thiệu về lễ hội hoa Tam giác mạch, một lễ hội văn hóa du lịch mới, gắn với cuộc sống người dân vùng cao. Ngay tại phần khai mạc, du khách và người dân Thủ đô được thưởng thức những màn biểu diễn văn hóa đặc sắc của người dân bản địa vùng CNĐ. Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày những đặc sản của vùng như: cây dược liệu, mật ong bạc hà, nhạc cụ, trang phục truyền thống… Thông qua những điệu múa của người Mông, Pu Péo, Lô Lô…; lời hát trong trẻo của cô sơn nữ; âm thanh réo rắt, trầm bổng của tiếng khèn, sáo, chiêng… đã thu hút sự chú ý của người xem.
Phạm Hiền LHH - Sưu tầm nguồn Báo Hà Giang.