Sau một năm nộp đơn đăng ký, sản phẩm Hồng không hạt Quản Bạ đã được công bố chỉ dẫn địa lý tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang theo Quyết định số 2148/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Lễ Quốc khánh 2.9 trở đi, trên vùng cao biên giới huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang lại rộ quả Hồng không hạt được bà con bày bán ở các buổi chợ phiên hoặc dọc quốc lộ 4C, đoạn thị trấn Tam Sơn lên Yên Minh, mà từ lâu đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh mỗi khi có dịp lên vùng cao đều lựa chọn mua về làm quà, bởi lẽ Hồng không hạt là sản phẩm đặc sản có những hương vị khác biệt mà chỉ có ở khu vực địa lý cao nguyên tỉnh Hà Giang mới có.
Sản phẩm hồng không hạt Quản bạ
Hồng Không hạt là loại cây ăn quả được trồng ở một số nơi như: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái… Khác với địa phương khác, hồng không hạt tại Quản Bạ (Hà Giang) là giống bản địa, sinh trưởng và phát triển tự nhiên từ lâu đời và được đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đâu bảo tồn và phát triển, có nhiều cây đã tồn tại 300 năm tuổi (xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ). Với các đặc điểm điển hình như: thịt quả giòn, ngọt, thơm bát, nhiều bột mịn; quả tròn, màu vàng sáng, đường kính quả từ 3,4 - 5,2 cm, trọng lượng quả từ 20 -25 quả/kg, vỏ quả cứng, thịt chắc rất dễ bảo quản và vận chuyển.
Sự thơm ngon của loại quả này có được cũng là nhờ đặc thù của khu vực địa lý Quản Bạ với các điều kiện phù hợp cho sinh trưởng, phát triển của loại quả này như: là khu vực địa lý có độ cao trung bình trên 1.000 mét so với mực nước biển, độ dốc dưới 20o, tầng đất dày, ít bị xói mòn; thổ nhưỡng thuộc loại đất Feralit đỏ vàng trên đá biến chất, đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, kết cấu tầng đất mặt tơi xốp, độ phì tiềm tàng khá, hàm lượng mùn tổng số tương đối cao, đất thoát nước tốt. Tổng lượng mưa bình quân hàng năm từ 1.200 - 2.100 mm, tổng lượng nhiệt cả năm từ 5.000 - 6.500oC, nhiệt độ trung bình năm khoảng từ 14 - 18oC. Biên độ dao động nhiệt độ ngày đêm từ 8,6 - 9,5oC, lớn hơn các khu vực khác. Độ ẩm trung bình năm từ 81 - 87%. Là khu vực có khí hậu ôn đới, hầu như mát mẻ quanh năm nên Hồng không hạt sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao và ổn định.
Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, thời gian qua, huyện Quản Bạ đã có chủ trương đẩy mạnh việc phát triển cây Hồng không hạt; trong quy hoạch bảo tồn đa dạng tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (được phê duyệt theo Nghị quyết số 187/NĐ-HĐND ngày 07/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh) cũng đã đưa cây Hồng không hạt huyện Quản Bạ vào nội dung bảo vệ. Nhiều đề tài, giải pháp kỹ thuật đã được triển khai nhằm nghiên cứu, xác định phương pháp nhân giống phù hợp; lựa chọn cây mẹ, cũng như xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hát và bảo quản… từ đó, tạo căn cứ tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân trồng, phát triển diện tích, nâng cao sản lượng trước thực tế nhu cầu ngày càng tăng của du khách thập phương với sản phẩm này.
Trong ba năm gần đây, đối với diện tích trồng mới, huyện đã vận dụng chính sách của Nhà nước hỗ trợ một phần giá giống và 200 kg phân bón NPK/ha để giúp các hộ về kỹ thuật ươm giống, trồng, chăm sóc, thu hái nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng. Nhờ đó, cây hồng không hạt đã có bước phát triển mạnh về diện tích, năng suất, chất lượng. Hiện nay, Quản Bạ có gần 100 ha hồng không hạt, trong đó có khoảng 60 ha cho thu hoạch, được trồng nhiều ở các xã như: Nghĩa Thuận, Thanh Vân, Quản Bạ và thị trấn Tam Sơn. Năng suất cây hồng đạt khoảng 10 tấn/ha, sản lượng mỗi năm khoảng 600 tấn; chất lượng ngon nên thị trường ổn định với giá bình quân từ 30- 35 nghìn đồng/kg. Cây đặc sản này đã giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, trong đó hàng trăm hộ có nguồn thu ổn định từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh tác động chính sách, nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, năm 2016 với sự hỗ trợ của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, huyện Quản Bạ đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây hồng không hạt. Đến tháng 7/2017, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho hồng không hạt Quản Bạ (Quyết định số 2148/QĐ-SHTT), trong đó giao UBND tỉnh Hà Giang là đơn vị tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Và mới đây nhất, ngày 22/9/2017 lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã dự Hội nghị công bố chỉ dẫn địa lý “Quản Bạ” cho sản phẩm Hồng không hạt huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang do UBND tỉnh Hà Giang tổ chức tại huyện Quản Bạ.
Sự kiện Hồng không hạt Quản Bạ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là dấu ấn quan trọng, tạo cơ hội cho địa phương quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu cho đặc sản thế mạnh của địa phương, thúc đẩy sản xuất phát triển diện tích, sản lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng với giá trị thực của nó khi sản phẩm hồng không hạt cung ứng gắn với chỉ dẫn địa lý.
Những công việc tiếp theo cần phải làm để duy trì, phát triển cây hồng không hạt gắn với chỉ dẫn địa lý, nâng cao uy tín thương hiệu đã được bảo vệ còn nhiều, thiết nghĩ trong thời gian tới rất cần có sự quan tâm vào cuộc mạng mẽ của các sở, ngành, địa phương và đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân mà trực tiếp là những người sản xuất, cung ứng và bao tiêu sản phẩm. /.
Tô Hiện