Nhằm nâng cao uy tín thương hiệu cũng như quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương, trong khuôn khổ chuỗi Lễ hội Hoa tam giác mạch lần thứ III, năm 2017, ngày 26.11 tại trung tâm huyện Mèo Vạc, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội thi và Hội thảo khoa học mật ong Bạc Hà, một sản phẩm đặc sản của tỉnh Hà Giang.
Tham gia Hội thi sản phẩm mật ong Bạc hà tại huyện Mèo Vạc có đại diện 14 đơn vị, hợp tác xã nuôi ong khai thác mật hoa Bạc hà tiêu biểu của 4 huyện nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý mật ong Mèo Vạc gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc và các đại biểu đại diện lãnh đạo: Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo Viện an toàn thực phẩm, Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành và huyện Mèo Vạc…
Sản phẩm Mật ong bạc hà trưng bày tại Lễ hội Hoa tam giác mạch 2017
Các đơn vị tham gia Hội thi phải trải qua 3 phần thi: lý thuyết; đánh giá và thực hành. Trong phần thi thực hành các đội thi sẽ phân biệt 3 loại mật ong là: mật ong nhãn, mật ong keo tai tượng và mật ong Bạc hà. Tại mỗi phần thi, Ban giám khảo sẽ chấm điểm trực tiếp bằng phiếu kín, đồng thời đưa ra tình huống cụ thể liên quan đến công tác sản xuất, chăm sóc, chế biến mật ong để các đội nêu lên cách giải quyết gắn với tình hình hoạt động thực tiễn tại địa phương.
Kết quả, Ban tổ chức Hội thi đã lựa chọn được 11 tập thể và cá nhân đoạt thành tích trong Hội thi để trao giải.
Ban tổ chức trao giấy khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích tham gia
Hội thi sản phẩm mật ong Bạc hà
Chiều cùng ngày Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cùng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên cùng với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Mèo Vạc tổ chức Hội thảo khoa học, với chủ đề “Ứng dụng công nghệ và các giải pháp quản lý nâng cao chất lượng mật ong Bạc hà”. Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận và để xuất các giải pháp nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng mật ong Bạc hà, một sản phẩm đặc sản của Cao nguyên Đồng Văn như: giải pháp thúc đẩy uy tín thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; thực trạng và dự báo xu hướng phát triển nghề nuôi ong mật trên Cao nguyên đá Đồng Văn; kết quả phát triển đàn ong nội địa phương gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu cây Bạc hà trên Cao nguyên đá Đồng Văn; vai trò của hội và hiệp hội trong sản xuất quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc dùng cho mật ong Bạc hà tỉnh; định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật ong Bạc hà của huyện Mèo Vạc, phát triển nguồn cây mật, nâng cao sản lượng, tuyên truyền hỗ trợ người dân nuôi ong lấy mật…
Tô Hiện