QUY CHẾ
Phối hợp giám sát cộng đồng về bảo vệ môi trường,
công khai minh bạch nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu
phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại cơ sở
(Ban hành kèm theo Quyết định số: ..... .. /QĐ-MTTQ
ngày .... tháng …. năm 2018 của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định những nội dung của UBND các cấp, cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải công khai các nội dung thực hiện Luật khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường; quy định về hình thức công khai, hình thức để người dân tham gia ý kiến và thực hiện giám sát; quy định trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện Quy chế phối hợp giám sát cộng đồng về bảo vệ môi trường (BVMT), công khai minh bạch nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại cơ sở.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp; các cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội (thành viên của MTTQ) tỉnh, huyện, xã; doanh nghiệp và cá nhân hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Điều 2. Nguyên tắc thực hiện
1. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước;
2. Thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật;
3. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cơ quan, tổ chức và nhân dân, nhằm khắc phục, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa bàn cơ sở nơi có hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản;
4. Bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, lợi ích của doanh nghiệp;
5. Đảm bảo tính công khai, minh bạch dân chủ trong quá trình thực hiện.
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành theo quy định của pháp luật, UBND cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản và cá nhân trên địa bàn tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Chương II
NHỮNG NỘI DUNG CÔNG KHAI, THỜI GIAN
VÀ HÌNH THỨC THỰC HIỆN CÔNG KHAI THÔNG TIN
Điều 4. Những nội dung thực hiện công khai thông tin tại cơ sở
1. Danh mục các văn bản của nhà nước quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản và BVMT đang có hiệu lực thi hành để nhân dân tra cứu.
2. Thông báo công khai các nội dung về BVMT được xác định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc trong bản cam kết BVMT của doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để nhân dân biết, gồm: kế hoạch quản lý môi trường, thông tin kết quả quan trắc định kỳ về môi trường; công nghệ, thiết bị xử lý chất thải, nước thải; đơn vị được thuê vận chuyển, xử lý chất thải, chất thải nguy hại, nước thải; các giải pháp bảo vệ, cải tạo, phục hồi cảnh quan, môi trường trong quá trình khai thác và sau khai thác khoáng sản; các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Thông báo công khai nội dung, khối lượng, kế hoạch kinh phí thực hiện các hạng mục công trình hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong quá trình khai thác khoáng sản và hỗ trợ việc đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.
3. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra giám sát hàng năm của các cấp đối với doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
4. Báo cáo công tác môi trường hàng năm trên địa bàn xã, huyện theo quy định tại Điều 134 và Điều 135 của Luật BVMT.
5. Danh sách, nội dung vi phạm pháp luật về BVMT của doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
6. Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.
7. Danh sách doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tạm bị đình chỉ hoạt động.
8. Công khai thông tin về kết quả thu nộp phí BVMT của doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại địa bàn cơ sở.
9. Công khai việc phân bổ, sử dụng nguồn thu phí BVMT tại địa phương nơi có hoạt động khoáng sản để cộng đồng dân cư tham gia giám sát.
10. Công khai danh mục các dự án hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật BVMT và Luật ngân sách nhà nước.
Điều 5. Thời điểm và hình thức công khai thông tin
1. Thời điểm bắt đầu thực hiện công khai thông tin
Đối với các nội dung công khai thông tin theo quy định tại Điều 4 của Quy chế này phải được thực hiện công khai chậm nhất là sau 15 ngày, kể từ khi văn bản được ban hành hoặc có hiệu lực thi hành.
2. Hình thức công khai thông tin
Việc công khai các nội dung quy định tại Điều 4 của Quy chế này được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức sau: công bố tại kỳ họp HĐND cấp xã; niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã hoặc tại nhà văn hóa thôn ít nhất trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày niêm yết; thông báo trên hệ thống truyền thanh của xã (nếu xã có hệ thống loa truyền thanh); thông báo bằng văn bản cho Đảng ủy, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở xã và trưởng thôn, bản, tổ dân phố ở xã, phường, thị trấn. Trong đó, có hình thức bắt buộc công khai thông tin là công bố trên Cổng thông tin điện tử/hoặc Trang thông tin điện tử của Sở, ngành, UBND huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn.
Chương III
NHỮNG NỘI DUNG NHÂN DÂN THAM GIA Ý KIẾN, GIÁM SÁT
Điều 6. Những nội dung nhân dân tham gia ý kiến
1. Phản ánh, kiến nghị đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
2. Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản tại cơ sở;
3. Phản ánh, kiến nghị việc thực hiện công khai các thông tin về BVMT, công khai minh bạch thông tin về nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí BVMT tại cơ sở với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc UB MTTQ các cấp.
Điều 7. Hình thức tham gia ý kiến
1. Đối với cộng đồng dân cư ở cơ sở
a) Thông qua công tác giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp;
b) Thông qua các cuộc họp thôn, bản, tổ dân phố;
c) Thông qua Hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân tại cơ sở;
d) Thông qua hòm thư góp ý, đường dây nóng, hộp thư điện tử, hoặc trực tiếp kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc UB MTTQ cấp xã.
2. Đối với Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã
a) Thông qua tư vấn, phản biện xã hội theo quy định của pháp luật;
b) Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát tại cơ sở tùy theo chức năng và nhiệm vụ của mình.
Điều 8. Những nội dung nhân dân tham gia giám sát
1. Nhân dân tham gia giám sát các nội dung cần phải được công khai minh bạch theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quy chế này; đồng thời giám sát trách nhiệm thực hiện công khai minh bạch thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 của Quy chế này;
2. Giám sát quá trình xả thải, hệ thống xử lý chất thải, nước thải; việc thực hiện tái tạo cảnh quan và phục hồi môi trường trong quá trình khai thác và sau khai thác của doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại cơ sở.
Điều 9. Hình thức thực hiện giám sát
1. Nhân dân thực hiện việc giám sát thông qua MTTQ cấp xã; trưởng thôn, bản, tổ dân phố; các tổ chức đoàn thể và đại biểu HĐND tại đơn vị bầu cử xã, phường, thị trấn; Ban thanh tra nhân dân; Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
2. Nhân dân trực tiếp thực hiện giám sát thông qua quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC,
TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
Điều 10. trách nhiệm của UBND tỉnh
UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cho các Sở, ban ngành của tỉnh (Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Cục Thuế tỉnh và các cơ quan của tỉnh có liên quan) thực hiện công khai minh bạch các thông tin quy định tại Điều 4 của Quy chế này và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Điều 11. Trách nhiệm của các Sở, ban ngành của tỉnh
Sở Tài chính, Sở TN&MT, Cục Thuế tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức công khai các thông tin về công tác BVMT; công khai minh bạch thông tin về nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí BVMT tại cơ sở quy định tại các Khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 Điều 4 của Quy chế này.
Điều 12. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, thành phố
1. Chỉ đạo cho các phòng, ban, cơ quan chuyên môn của huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm công khai các nội dung quy định tại Điều 4 của Quy chế này, cụ thể:
a) Phòng TN&MT có trách nhiệm phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn tổ chức công khai các thông tin về danh mục các văn bản của nhà nước quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản và BVMT đang có hiệu lực thi hành để nhân dân tra cứu; kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát hàng năm của các cấp đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại địa bàn; báo cáo công tác môi trường hàng năm trên địa bàn xã, huyện theo quy định tại Điều 134, 135 của Luật BVMT; danh sách, nội dung vi phạm pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; danh sách các doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tạm thời bị đình chỉ hoạt động để nhân dân biết, theo dõi giám sát.
b) Chi Cục thuế cấp huyện, thành phố có trách nhiệm chậm nhất là ngày 31 tháng 3 hàng năm phải thực hiện công khai thông tin về kết quả thu nộp phí BVMT đối với khai thác khoáng sản của doanh nghiệp đã nộp từ năm trước trên phương tiện thông tin đại chúng bằng hình thức phù hợp để người dân theo dõi.
c) Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn hàng năm tổ chức công khai kế hoạch phân bổ sử dụng nguồn thu phí BVMT; công khai danh mục các dự án hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản để cộng đồng dân cư biết và tham gia giám sát.
d) Phòng Văn hóa Thông tin huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện công khai thông tin theo quy định của Quy chế này trên phương tiện thông tin đại chúng tại địa bàn cơ sở.
2. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, thành phố thực hiện công khai các nội dung theo quy định tại Điều 4 của Quy chế này tại cơ sở.
Điều 13. Trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn
1. Phối hợp với Ủy ban MTTQ và các ban ngành, đoàn thể cấp xã phổ biến tuyên truyền các quy định của nhà nước về công tác BVMT, công khai minh bạch thông tin về nguồn thu, quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí trong khai thác khoáng sản tại cơ sở; các nội dung công khai, hình thức công khai, quyền và nghĩa vụ của nhân dân trong giám sát việc thực hiện Quy chế đến các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
2. Thực hiện niêm yết công khai, thông báo những nội dung phải thực hiện công khai theo quy định tại Điều 4 của Quy chế này.
3. Cung cấp kịp thời các văn bản phải công khai cho Trưởng thôn, bản, tổ dân phố để niêm yết công khai theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quy chế này.
4. Thông tin hộp thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng, số điện thoại của Lãnh đạo UBND cấp xã trực tiếp phụ trách để tiếp nhận ý kiến của nhân dân.
5. Thông báo kết quả giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các nội dung góp ý, kiến nghị của nhân dân tại cơ sở.
6. Kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND huyện, thành phố giải quyết đối với các trường hợp vượt quá thẩm quyền.
Điều 14. Trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội
1. Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã, huyện có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến của nhân dân tại cơ sở, phản ánh kịp thời với UBND cùng cấp để xem xét, giải quyết.
2. Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn có trách nhiệm đôn đốc Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát việc chấp hành thực hiện BVMT của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; thực hiện công khai minh bạch các thông tin về nguồn thu, phân bổ sử dụng nguồn thu, các dự án hỗ trợ cho công tác BVMT và đầu tư cho môi trường tại địa bàn cơ sở.
3. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, Ủy ban MTTQ cấp xã, huyện có trách nhiệm tổng hợp ý kiến và kết quả giải quyết kiến nghị của nhân dân báo cáo HĐND, UBND cùng cấp, đồng thời gửi báo cáo về Ủy ban MTTQ cấp huyện; Ủy ban MTTQ cấp huyện, thành phố có trách nhiệm tổng hợp báo cáo về Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang để theo dõi.
Điều 15. Trách nhiệm của Trưởng thôn, bản, tổ dân phố
1. Tiếp nhận các văn bản, tài liệu cần phải thực hiện công khai do UBND xã, phường, thị trấn cung cấp để niêm yết, công khai các nội dung phải công khai theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Quy chế này.
2. Tiếp nhận đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của nhân dân và phản ánh kịp thời về UBND và UB MTTQ xã, phường, thị trấn để xem xét, giải quyết.
3. Hướng dẫn tổ chức cho nhân dân được thực hiện quyền giám sát của công dân theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Quyền và nghĩa vụ giám sát của nhân dân địa phương nơi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản
1. Đề nghị UBND xã, phường, thị trấn công khai đầy đủ các nội dung thông tin về giám sát theo quy định tại Điều 4 của Quy chế này;
2. Thông qua Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể của xã, phường, thị trấn; Trưởng thôn, bản, tổ dân phố, đại biểu HĐND tại đơn vị bầu cử ở cơ sở thực hiện quyền giám sát của mình đối với công tác BVMT, thực hiện công khai, minh bạch thông tin về nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí BVMT trong khai thác khoáng sản tại cơ sở.
3. Thực hiện giám sát, tham gia ý kiến, kiến nghị theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 17. Trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động khoáng sản
1. Doanh nghiệp khai thác khoáng sản có trách nhiệm tổ chức tham vấn lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư ở cơ sở trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và thông tin kết quả tham vấn cho cộng đồng dân cư biết;
2. Công khai thông tin tại trụ sở UBND cấp xã về dự án khai thác khoáng sản đã được phê duyệt: ranh giới, diện tích khu vực, quy mô, công suất khai thác;
3. Niêm yết các nội dung phải thực hiện công khai quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Quy chế này tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn để dân nhân dân biết và cử đại diện tham gia thực hiện giám sát.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Tổ chức thực hiện
1. UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này của cấp dưới trực tiếp, việc chấp hành thực hiện Quy chế của các tổ chức và doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn; trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện có vi phạm thì xử lý kịp thời, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền giám sát, thực thi quyền giám sát cộng đồng đối với công tác BVMT, công khai minh bạch nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại cơ sở; trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới trực tiếp đối với việc thực thi các nội dung quy định của Quy chế này.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chủ trì giám sát việc thực hiện công khai minh bạch theo các nội dung quy định tại Quy chế này.
4. Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Điều 17. Điều khoản thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Quy chế phối hợp giám sát cộng đồng về BVMT, công khai minh bạch thông tin về nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí BVMT trong khai thác khoáng sản tại cơ được áp dụng thí điểm tại xã Minh Sơn (huyện Bắc Mê) và xã Mậu Duệ (huyện Yên Minh). Cuối năm 2018, sau khi đánh giá hiệu quả, tác động của Quy chế sẽ được triển khai áp dụng ra diện rộng trên phạm vị toàn tỉnh.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc đề nghị các cấp, ngành phản ánh về UB MTTQ tỉnh Hà Giang để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.
TM. BAN THƯỜNG TRỰC
PHÓ CHỦ TỊCH
Triệu Quốc Lương
Mời các bạn tải file PDF tại đây