Sáng 24.10, tại Hà Nội, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội thảo về việc phát triển cây dược liệu. Dự hội thảo về phía T.Ư có lãnh đạo các Bộ: Y tế; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và PTNT; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ; Trường Đại học Y Hà Nội; Trường Đại học Dược Hà Nội; Cục quản lý Y – Dược cổ truyền, Viện Dược liệu Bộ Y tế; một số nhà khoa học và một số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực dược liệu. Về phía tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Đình Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Minh Tiến, Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
|
Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo
|
Tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Dược liệu ở Hà Giang. Hiện nay, tỉnh Hà Giang có gần 1.565 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ và 6 ngành. Nhiều loài quý hiếm như: Bát giác liên, hoa tiên, giảo cổ lam, hoàng tinh cách, thạch hộc... 51 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Có 97 loài cây thuốc nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia. Theo các kết quả điều tra thổ nhưỡng, Hà Giang có 9 nhóm đất canh tác, đặc biệt là nhóm đất đen xám ở vùng Quản Bạ đều rất thích hợp cho canh tác nông nghiệp và cây dược liệu. Ngoài ra, do địa hình bị chia cắt đã tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu nên nguồn gen về cây dược liệu của Hà Giang cũng rất đa dạng, phong phú. Ngoài lợi thế về mặt điều kiện tự nhiên, Hà Giang còn là nơi sinh sống của 19 dân tộc; mỗi dân tộc đều có vốn tri thức bản địa về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống, chế biến và sử dụng dược liệu địa phương. Tổng diện tích cây dược liệu trên toàn tỉnh Hà Giang cho đến thời điểm hiện nay là 10.727 ha. Từ những điều kiện trên đã tạo nên những lợi thế riêng có, đặc thù trong phát triển dược liệu của Hà Giang với các tỉnh Đông bắc và Tây bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, doanh nghiệp đều cho rằng: tỉnh Hà Giang đã và đang đi đúng hướng trong việc thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến và phát triển cây dược liệu. Để thực hiện tốt hơn chiến lược phát triển cây dược liệu tại Hà Giang, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp, trong đó hầu hết mong muốn Hà Giang tiếp tục có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ các tổ chức cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này; cần linh hoạt hơn việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp và người dân nhất là về vốn. Đẩy mạnh việc liên kết bốn nhà: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông trong việc sản xuất, chế biến dược liệu; xây dựng mô hình HTX kiểu mới, hướng đến sản xuất hàng hóa chất lượng cao; làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất dược liệu tập trung, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của Hà Giang. Để sản xuất dược liệu được hiệu quả và bền vững thì Hà Giang cần phải có luận chứng kinh tế chặt chẽ, có định hướng, quy hoạch một cách khoa học. Cần xác định các giống dược liệu tiêu biểu để đầu tư điển hình như cây tam thất, đan sâm, hồng hoa... Ngoài các cơ chế, chính sách đã có, các doanh nghiệp mong muốn tỉnh Hà Giang cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng diện tích, quy mô sản xuất, chế biến và phát triển dược liệu...
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, với hướng đi và cách làm của tỉnh Hà Giang trong việc phát triển dược liệu là hoàn toàn đúng và trúng. Tỉnh Hà Giang sẽ quyết tâm phấn đấu trở thành vùng trọng điểm về phát triển dược liệu của cả nước. Hà Giang rất cần sự giúp đỡ của các nhà khoa học về quy trình sản xuất cây giống dược liệu, tạo ra những loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của từng vùng trong tỉnh. Hà Giang cũng sẽ thành lập Hội đồng chuyên gia chuyên về lĩnh vực dược liệu để tư vấn cho tỉnh trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Hà Giang cũng sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về dược liệu để giúp tỉnh thực hiện đề án phát triển cây dược liệu một cách bền vững. Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Hà Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và có các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Giang trong lĩnh vực dược liệu. Phát triển cây dược liệu là cách đi của Hà Giang đã đúng và nhận được sự đồng thuận rất cao, đặc biệt là của các doanh nghiệp và các nhà khoa học. Khi đã có sự đồng thuận, thống nhất thì người nông dân sẽ đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia vào phát triển kinh tế gắn với cây dược liệu, là cây xóa đói giảm nghèo của Hà Giang...
Phạm Hiền LHH Sưu tầm; nguồn Báo Hà Giang