Xây dựng quy hoạch đội ngũ trí tỉnh Hà Giang để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo, đó là nội dung được các nhà khoa học, cán bộ quản lý tập trung thảo luận vào trung tuần tháng 6 tại tỉnh Hà Giang.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về thực hiện 5 Chương trình trọng tâm, trong đó có “Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm”, ngày 21.6.2016, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng về xây dựng, quy hoạch đội ngũ tri thức tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tấm nhìn đến 2030”. Dự vào chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa 13 đơn vị tỉnh Hà Giang; Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đồng chủ trì Hội nghị; tham dự Hội thảo còn có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các cơ quan trung ương như: Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo các sở, ban, ngành, bí thư, chủ tịch 11 huyện, thành phố trong tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo "Định hướng xây dựng quy hoạch đội ngũ trí thức tỉnh Hà Giang
đến năm 2020, tầm nhìn 2030"
Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Họ là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Quốc gia nào thu hút, tập hợp được chất xám, nắm bắt được công nghệ, Quốc gia đó sẽ có ưu thế thúc đẩy chiến lược phát triển của mình. Trước vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức, Ban chấp hành trung ương đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008; Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Chương trình số 47-CTr/TU, ngày 01/10/2008 về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Trong những năm qua cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức của tỉnh đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hết năm 2015, toàn tỉnh có 33.909 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ từ Cao đẳng trở lên trên 20.000 người. Trong đó trình độ Tiến sĩ và tương đương 32 người; Thạc sĩ 773 người; Đại học 14.260 người. Trình độ lý luận chính trị cũng tăng rõ rệt, cho đến nay có 471 cán bộ được đào tạo trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị; gần 2.500 lượt cán bộ được đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Số trí thức có độ tuổi dưới 35 tuổi chiếm khoảng 37,3%; từ 35 - 45 tuổi, chiếm khoảng 34,5%; 45 tuổi trở lên chiếm khoảng 28,2%. Số người có trình độ sau Đại học và tương đương phần lớn ở độ tuổi từ 40-50 tuổi. Cùng với đó, tỉnh ta cũng đã xây dựng nhiều chính sách thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, qua đó đã tuyển dụng được những người có chuyên môn cao, sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại Khá, Giỏi về công tác tại tỉnh. Theo đó, tỉnh còn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đội ngũ trí thức làm việc, sinh hoạt, phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập, nâng cao kiến thức về trình độ chuyên môn của đội ngũ trí thức…
Tuy nhiên, cơ cấu, lĩnh vực ngành nghề đào tạo của đội ngũ trí thức của tỉnh còn mất cân đối, trừ hai ngành có tính đặc thù giáo dục đào tạo và Y tế, còn phần lớn trí thức có trình độ Thạc sỹ tập trung ở lĩnh vực kinh tế, tài chính. Số trí thức ở lĩnh vực quy hoạch đô thị, kiến trúc, xây dựng, tin học, ngoại ngữ, quản lý du lịch, dịch vụ, văn hoá, tài nguyên môi trường, nông, lâm, ngư nghiệp, khoa học chính trị, triết học, xây dựng Đảng còn ít và thiếu; phân bổ lại chủ yếu tập trung ở các cơ quan hành chính nhà nước; đội ngũ trí thức trình độ sau đại học ở các huyện biên giới còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, tỉnh còn thiếu các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật; chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, các chuyên gia có năng lực, trình độ chuyên sâu...
Thảo luận tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đánh giá cao về quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh, nhất là phát triển dựa trên quy hoạch đào tạo, thu hút đội ngũ tri thức đến và làm việc tại tỉnh. Hà Giang cũng là một trong số ít các tỉnh tổ chức hội thảo và xây dựng định hướng phát triển đội ngũ tri thức của tỉnh, điều này thể hiện rõ sự cầu thị để phát triển và phát triển trên nền tảng tri thức và khoa học kỹ thuật. Hội thảo đã phân tích làm sáng tỏ những quan điểm cơ bản và chính sách quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức; khẳng định sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền, nên đội ngũ trí thức Hà Giang đã không ngừng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý hơn. Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ trí thức hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu khách quan, vẫn còn những rào cản, khó khăn và thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của đội ngũ trí thức, đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức của tỉnh trưởng thành nhanh hơn cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu ngành nghề cũng như cơ cấu trình độ.
Kết luận Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thào Hồng Sơn nhấn mạnh: Các cấp, ngành trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình và Kết luận của Tỉnh ủy và BTV Tỉnh ủy mà trực tiếp là Nghị quyết số 27/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Chương trình số 47-CTr/TU của Tỉnh ủy, về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cần xác định rõ xây dựng đội ngũ trí thức là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần có kế hoạch cụ thể định kỳ tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại với trí thức, trực tiếp kiểm tra, đánh giá và chỉ đạo thực hiện. Với tinh thần cầu thị, biết lắng nghe, chủ động, tích cực, quyết liệt và sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị: Toàn tỉnh cần tổ chức đánh giá các cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn, để thu hút các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học về công tác ở những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của địa phương. Cần nghiên cứu cơ chế hợp tác, tư vấn đối với chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực công nghệ cao phục vụ cho việc xây dựng và phát triển khu công nghệ cao, khu công nghiệp của tỉnh; hàng năm cần rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý đội ngũ trí thức phục phục phát triển Hà Giang ...
Đức Hiện