BHG- Ngày 2.11, tại huyện Đồng Văn, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo xây dựng phát triển Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn điểm đến Quốc gia và Quốc tế. Dự Hội thảo có các đồng chí: Triệu Tài Vinh. Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2; Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Vụ, Viện thuộc các Bộ, ngành Trung ương; các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước; lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh; Thường trực 4 huyện CNĐ Đồng Văn…
|
Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo. |
CNĐ Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ ba của khu vực Đồng Nam Á được UNESCO công nhận. Nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m trên diện tích gần 2.356km2 trải dài trên địa bàn 4 huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. CNĐ là nơi chứa đựng các loại hình di sản địa chất phong phú, đa dạng sinh học, có nhiều kiến tạo địa chất điển hình cho sự hình thành của lớp vỏ trái đất ngày nay; với khung cảnh hùng vĩ nguyên thủy của những hẻm vực sâu của những dãy núi đá tai mèo sừng sững. Nơi đây còn quy tụ nhiều sắc mầu văn hóa gắn liền với nét văn hóa truyền thống độc đáo, lễ hội đặc trưng của các dân tộc như Hmông, Lô Lô, Nùng, Dao, Tày… Chính những điều này tạo nên giá trị có một không hai của CNĐ Đồng Văn trong hệ thống Công viên địa chất toàn cầu. Vì vậy, vấn đề bảo tồn, khai thác CNĐ trở thành yêu cầu cấp thiết, đưa CNĐ Đồng Văn trở thành di sản thế giới mới. Để khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Hà Giang đang thu hút, huy động mọi nguồn lực để thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030…
Tại hội thảo, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia, các đại biểu có nhiều đóng góp, thảo luận đưa ra các giải pháp, đề xuất về thiết lập những cơ chế chính sách, phương thức triển khai đáp ứng yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với những tiêu chí của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu; phát triển KT - XH gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển mạng lưới giao thông khu vực đồng thời gắn kết được với các danh thắng dọc theo các tua tuyến Thủ đô Hà Nội - CNĐ Đồng Văn (Việt Nam) - Châu Văn Sơn (Trung Quốc), vùng Đông Bắc với Tây Bắc. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho phát triển du lịch; vấn đề đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực; quy hoạch, phát triển du lịch gắn với đảm bảo QP - AN. Các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm Quốc tế trong phát triển Công viên địa chất, trong đó nhấn mạnh tới các nội dung như xây dựng chiến lược thu hút khách du lịch, đa dạng hóa, nâng cấp các sản phẩm du lịch; đề xuất phát triển không gian vùng, đô thị trung tâm du lịch và quy hoạch, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của Công viên địa chất toàn cầu CNĐ Đồng Văn đối với sự phát triển du lịch của tỉnh, trong vùng. Đồng thời khẳng định, để CNĐ Đồng Văn trở thành điểm đến Quốc gia và Quốc tế cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; xây dựng một chiến lược thích hợp và hoàn chỉnh cho phát triển du lịch với mục tiêu cao nhất là bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới song hành với phát triển KT - XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng. Đồng thời cũng đưa ra một số khuyến nghị như: Phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng sao cho hài hòa với quy hoạch tổng thể không phá vỡ cảnh quan; bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất; việc lựa chọn, phát triển trung tâm du lịch vùng CNĐ…
Lương Hoa LHH - ST nguồn báo Hà Giang