Kết quả 3 năm thực hiện Chương trình phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang

Tỉnh Hà Giang đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu gắn với công cuộc xóa đói giảm nghèo tại 6 huyện thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, phấn đấu xây dựng địa phương trở thành vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu Quốc gia trong giai đoạn 2013-2020.

Hà giang là tỉnh địa đầu của Tổ quốc, có nhiều vùng có độ cao, khí hậu đặc thù có thể trồng được nhiều cây dược liệu mà các tỉnh vùng thấp, vùng đồng bằng không trồng được. Bên cạnh đó, tỉnh có diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ lớn có nhiều loài thảo dược và cũng có thể trồng được nhiều loài dược liệu dưới tán rừng. Qua kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Viện Dược liệu và Viện Rau quả Trung ương cho thấy: Vùng khí hậu Á nhiệt đới, thổ nhưỡng chủ yếu là các loại đất xám ở 6 huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang  rất phù hợp để trồng cây dược liệu, những giống cây dược liệu đầu tiên được trồng thử nghiệm tại đây như: thảo quả, hương thảo, ấu tẩu, giảo cổ lam, atiso, bạch chỉ... đã sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng Cao nguyên đá.

 Trong những năm qua tỉnh đã có nhiều giải pháp linh hoạt để thu hút doanh nghiệp phát triển cây dược liệu thông qua tổ chức các hội thảo, hội nghị như: Hội nghị xúc tiến phát triển vùng rau hoa, dược liệu của tỉnh; Hội thảo phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông bắc và Tây Bắc; Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển dược liệu tỉnh Hà Giang thành vùng trọng điểm; Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp dược liệu tại Hà Giang; đã linh hoạt trong việc giao mặt bằng và đất sạch cho các doanh nghiệp cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 210 của Chính phủ kịp thời với mức hỗ trợ tối đa. Đặc biệt gắn với cải cách thủ tục hành chính theo hướng linh hoạt, giảm bớt thủ tục không cần thiết, để doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần. Vì vậy đã thu hút được một số doanh nghiệp vào phát triển dược liệu tại tỉnh gồm: Công ty Cổ phần thương mại phát triển nông - lâm nghiệp Bình Minh 3; Công ty TNHH MTV Dược khoa; Công ty Cổ phần Nam Dược; Công ty Cổ phần Dược y tế và thương mại Bảo Châu; Công ty Cổ phần phát triển dược liệu ANVY. Đặc biệt, tỉnh Hà Giang đã xây dựng Dự án tổng thể phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại 6 huyện 30a tỉnh Hà Giang” được Chính phủ phê duyệt vào tháng 2/2015 và đã được các Bộ, ngành T.Ư thẩm định. Dự án được thực hiện đến 2020, tại 6 huyện  (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần) và xã Tân Thành (huyện Bắc Quang) với quy mô 12.581 ha, trong đó trồng mới 5.180 ha. Tổng vốn thực hiện dự án là 2.932 triệu VNĐ, trong đó vốn Nhà nước là 1.409 triệu (48,1%); vốn Doanh nghiệp là 708 triệu (24,2 %); vốn các tổ chức kinh tế cộng đồng là 576 triệu (19,7%) và  vốn từ các hộ dân là 237 triệu (8,1%).

Sau 3 năm triển khai, Chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn đã mang lại rất nhiều hy vọng cho một hướng đi mới, một sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của tỉnh cũng như  xu hướng phát triển của xã hội. Tính đến tháng  9/ 2015, tổng diện tích dược liệu các loại trồng được gần 1.372 ha. Trong đó, Công ty Cổ phần phát triển nông - lâm nghiệp Bình Minh 3 trồng được 49 ha tại các huyện Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần gồm cây Đương quy, Lão quan thao, Kỷ tử, Cát cánh, Tục đoạn, Xuyên khung, Thiên niên kiện; Công ty Cổ phần ANVY, trồng được 4 ha gồm các loại cây Bạch truật, Sinh địa, Ngưu tất; Công ty TNHH MTV Dược khoa liên kết với các HTX trồng được trên 20 ha cây Actiso, Đương quy, Bạch chỉ, Khoai nưa, Y dĩ; nhân dân tự thực hiện được trên 1.298 ha cây Thảo quả, Hương thảo, Quế, Hoa hồi, Hoa hòe, Đinh lăng, Óc chó, Ấu tẩu…

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển Chương trình dược liệu vẫn chưa ổn định, chưa thực sự vững chắc; đặc biệt chưa có doanh nghiệp chính thức đầu tư nhà máy chế biến sâu tại tỉnh; vấn đề khó khăn, vướng mắc về nhân giống, quy trình vẫn chưa được giải quyết…

Vì vậy, để khai thác có hiệu quả, bền vững, gắn giữa lợi ích của tỉnh, doanh nghiệp và người dân đối với tiềm năng dược liệu của tỉnh, UBND tỉnh đã đề xuất một số giải pháp như sau:

Tiến hành xây dựng trang Web riêng cho dược liệu Hà Giang (ngoài nội dung giới thiệu quảng bá tiềm năng dược liệu của tỉnh, có chính sách mời gọi các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo cao cấp viết bài về dược liệu của tỉnh).

Triển khai sớm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vào đầu tư trồng vùng nguyên liệu và gắn với đầu tư nhà máy chế biến sâu (bao gồm: hỗ trợ 30% tiền thuê đất trồng vùng nguyên liệu, tối đa 100ha, trong thời gian 5 năm đầu. Hỗ trợ 5 tỷ đồng/nhà máy chế biến sâu có vùng nguyên liệu).

Đổi mới trong giải quyết các thủ tục đầu tư khi doanh nghiệp có nhu cầu trồng vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến sâu. UBND tỉnh sẽ chủ trì một cuộc họp cùng các doanh nghiệp, các sở ngành liên quan để thống nhất có thể chấp nhận cho đầu tư hay không; thống nhất trình tự thủ tục, trách nhiệm của các công đoạn và thời gian cụ thể của từng công đoạn cho từng ngành hay doanh nghiệp chịu trách nhiệm; Đảm bảo trong vòng 45 ngày hoàn tất các thủ tục cho doanh nghiệp vào đầu tư.

Có chính sách đặc thù hỗ trợ giải phóng mặt bằng để Công ty DK Phama đầu tư dự án Vườn bảo tồn và sản xuất giống cây thuốc tại xã Quản Bạ - làm trung tâm nhân giống phát triển dược liệu cho toàn tỉnh.

Khẩn trương ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phối hợp với các cơ quan khoa học Trung ương tiến hành nhân giống của 20 loài cây dược liệu ưu tiên phát triển của tỉnh, gắn với trồng thử nghiệm và xây dựng ban hành quy trình trồng chăm sóc, thu hái và phân tích hoạt chất của các loài cây dược liệu này.

Tổ chức đào tạo nghề cho nông dân vùng phát triển trồng dược liệu về kỹ năng trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu. Đồng thời căn cứ nhu cầu của doanh nghiệp đào tạo công nhân sơ chế sản phẩm dược liệu.

Trước mắt tập trung ưu tiên hỗ trợ tối đa 5 doanh nghiệp đã và đang phát triển dược liệu tại tỉnh; gắn với khuyến khích thu hút các doanh nghiệp không phân biệt quy mô tiếp tục đầu tư phát triển dược liệu của tỉnh.

Tiến hành rà soát toàn bộ quỹ đất đảm bảo đủ các điều kiện phát triển dược liệu tạo quỹ đất sạch (đối với 6 huyện 30a tối thiểu 10ha, các huyện còn lại tối thiểu30 ha) để mời các doanh nghiệp ưu tiên các doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dược liệu.

                                     Phạm Hiền - LHH

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon UBND tỉnh tổ chức Hội đồng khoa học chuyên đề nghiệm thu đề tài "Chiến lược tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang"
icon Kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam gắn với công bố, trao giải thưởng giải Báo chí tỉnh Hà Giang lần thứ IX - năm 2018
icon Quy chế Phối hợp giám sát cộng đồng về bảo vệ môi trường, công khai minh bạch nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại cơ sở
icon Dự thảo Quyết định Ban hành Quy chế thí điểm giám sát cộng đồng về BVMT công khai minh bạch nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí BVMT trong khai thác khoáng sản trên bịa bàn tỉnh Hà Giang
icon Tổ chức Hội thi và Hội thảo sản phẩm mật ong Bạc Hà tại Mèo Vạc
icon Lễ hội hoa tam giác mạch chính thức khai mạc trên Cao nguyên Đồng Văn
icon Sơ kết 6 năm thực hiện Kết luận của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục, pháp luật.
icon Ươm mầm khoa học nơi địa đầu Tổ quốc.
icon Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ
icon Sản phẩm Hồng không hạt Quản Bạ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý- cơ hội phát triển
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website