Liên hiệp Hội Hà Giang với vai trò phát huy tập hợp trí thức tham gia
thực hiện xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh
Liên hiệp hội Hà Giang là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ tỉnh Hà Giang, là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang. Liên hiệp hội Hà Giang mới được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động kể từ tháng 4/2012. Liên hiệp hội Hà Giang có 9 tổ chức Hội thành viên, bao gồm Hội Luật gia, Hội Đông y, Hội Làm vườn, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Chữ thập đỏ, Hội Châm cứu, Hội Doanh nghiệp, Hội Chè và Hội Nhà báo, với tổng số trên 6.000 hội viên.
Trong điều kiện mới được thành lập, quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn, đơn vị vừa phải củng cố tổ chức, bộ máy vừa phải bắt tay triển khai các hoạt động về chuyên môn. Xong trong những năm qua, được sự quan tâm giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam; sự phối hợp của các sở, ban ngành trong tỉnh, Liên hiệp hội Hà Giang đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tham gia đóng góp công sức, trí tuệ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; trong đó có một số hoạt động có kết quả nổi bật, đó là:
1. Về công tác tập hợp đoàn kết trí thức và phát triển hội viên:
Thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn khoa học, Liên hiệp hội Hà Giang đã tập hợp được một đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ ở trong và ngoài tỉnh nhiệt tình, tâm huyết, tích cực tham gia đóng góp trí tuệ vào công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh; chấp hành, thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, tinh thần hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ.
2. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội:
Trong năm qua, Liên hiệp hội Hà Giang thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban ngành của tỉnh, tổ chức cho các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện cho các chương trình, đề án, dự án trọng điểm của tỉnh. Hoạt động này là một kênh thông tin quan trọng và đáng tin cậy để cung cấp những ý kiến trung thực, khách quan, dựa trên cơ sở khoa học cho UBND tỉnh trong quá trình xem xét, phê duyệt. Nhiều ý kiến đóng góp của Liên hiệp hội đã được các cơ quan của tỉnh tiếp thu và đã được các cơ quan của tỉnh đánh giá cao.
3. Làm tốt công tác giải thưởng, hội thi:
Hàng năm, Liên hiệp hội Hà Giang đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Hà Giang và các sở, ngành liên quan của tỉnh tổ chức các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh đạt kết quả; tổ chức tôn vinh các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ. Các hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất, đời sống, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
4. Tham gia hoạt động nghiên cứu, triển khai áp dụng đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào phục vụ sản xuất và đời sống:
Trong những năm qua Liên hiệp Hội và các Hội thành viên đã tích cực đề xuất, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Một số đề tài đã được Hội đồng Khoa học của tỉnh đánh giá cao về tính mới, tính hiệu quả và khả năng nhân rộng như: Đề tài "Nuôi trồng nấm rơm trái vụ, góp phần tăng thu nhập cho người dân trong thời kỳ nông nhàn" của Văn phòng Liên hiệp hội Hà Giang; đề tài "Nâng cao tỷ lệ đậu quả na dai bằng phương pháp thụ phấn nhân tạo và trồng khảo nghiệm giống na ruột tím tại một số xã thuộc huyện Vị Xuyên, thành phố Hà Giang" của Hội Làm vườn tỉnh; đề tài “Nghiên cứu, kế thừa, phát triển một số bài thuốc gia truyền có giá trị trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng” của Hội Đông y tỉnh Hà Giang đã góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào phục vụ thực tiễn sản xuất và đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang cũng như của các Hội thành viên còn nhiều hạn chế, chưa có công trình, đề tài khoa học mang tính sáng tạo, hiệu quả của hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ chưa cao.
Nguyên nhân là do các chính sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ chưa khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong tỉnh tích cực tham gia; mặt khác do cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự của Liên hiệp hội, các Hội thành viên và các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập khác còn nhiều bất cập, chưa đủ mạnh; số lượng, chất lượng, trình độ của cán bộ khoa học kỹ thuật ở các cơ quan sở, hội ngành và các Trung tâm nghiên cứu còn nhiều hạn chế, chưa chuyên sâu, chưa tinh nhuệ để đề xuất, triển khai, thực thi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Để khắc phục những mặt tồn tại hạn chế, phát huy thế mạnh vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia thực hiện xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, huy động sự đóng góp trí tuệ và vật chất cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của tỉnh. Liên hiệp hội Hà Giang đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh như sau:
Trước hết, cần phải đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động khoa học công nghệ trong tỉnh:
- Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trước hết cần nâng cao vai trò và chất lượng tư vấn của Hội đồng khoa học và công nghệ các cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tham gia tư vấn, phản biện đối với các chủ trương, chính sách, đề tài, dự án về khoa học và công nghệ cũng như các đề án về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tiếp theo cần tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ; đổi mới mô hình hoạt động, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhân lực, kinh phí hoạt động đối với một số tổ chức, đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập của tỉnh như các trung tâm, trạm, trại nghiên cứu thuộc các sở, ban ngành, các tổ chức hội đặc thù của tỉnh theo hướng giao khoán nhiệm vụ (đề xuất, thực hiện nhiệm vụ đến đâu thì hưởng đến đó). Vì hiện nay hoạt động của gần như đại đa số các trung tâm, đơn vị sự nghiệp khoa học kỹ thuật của các sở, ban ngành trong tỉnh đều dựa vào ngân sách bao cấp của Nhà nước (cán bộ, viên chức sự nghiệp đều hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, họ coi việc đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ chỉ là việc làm thêm, nên họ không tích cực tham gia).
- Tiếp theo nữa là cần phải triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng đối với các tổ chức và nhà khoa học để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ; việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên nguyên tắc đảm bảo tính công khai, minh bạch và có tiêu chí lựa chọn rõ ràng trên cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; công tác đánh giá nghiệm thu kết quả các đề tài, dự án khoa học và công nghệ phải dựa trên những tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể, nâng cao chất lượng, tính khách quan dựa vào phương thức phản biện trong đánh giá; khuyến khích các doanh nghiệp thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập và sử dụng có hiệu quả quỹ đổi mới, phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy sự kết gắn giữa các nhà khoa học với các tổ chức sản xuất kinh doanh và nông dân.
Hai là, cần triển khai các định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu cho các tổ chức và cá nhân làm công tác khoa học:
Ví dụ như tiếp nhận ứng dụng, chuyển giao và nhân giống các cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng; nghiên cứu ứng dụng đẩy nhanh việc đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, từng bước đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp như làm đất, thu hoạch và chế biến nông, lâm sản, thực phẩm đặc sản sau thu hoạch; phát triển đa dạng hóa các ngành nghề, thúc đẩy việc chuyển dịch dần cơ cấu lao động ở nông thôn từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.
Chú trọng và tăng cường việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia; coi trọng việc xây dựng các thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa; ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất sạch, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng nhập thiết bị công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường.
Ba là, phát huy, tăng cường phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ:
- Cần tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho các tổ chức khoa học và công nghệ của tỉnh hiện có.
- Thực hiện chương trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu khoa học theo hướng chuyên sâu tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh; bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước theo đúng trình độ, năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo để tránh lãng phí về nguồn nhân lực; thực hiện tốt chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài, nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao, có tâm huyết về làm việc lâu dài tại tỉnh.
- Thực hiện xã hội hóa các nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ thông qua sự hỗ trợ của nguồn ngân sách nhà nước, sự đóng góp của doanh nghiệp, sự tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế khác.
Bốn là, Mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ:
Mở rộng quan hệ hợp tác phát triển khoa học và công nghệ với các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tổ chức khoa học và công nghệ đầu ngành thuộc Liên hiệp hội Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, các trường Đại học; mở rộng quan hệ hợp tác phát triển khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, tranh thủ sự giúp đỡ hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế và Trung ương trong các lĩnh vực đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và đổi mới công nghệ; chủ động mở rộng và phát triển các mối quan hệ trao đổi, hợp tác quốc tế với các tỉnh, vùng, các nước lân cận hướng vào việc giải quyết các mục tiêu ưu tiên của tỉnh.
Xây dựng các cơ chế thích hợp, tạo điều kiện cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm, khảo sát chuyên đề tiếp cận tiến bộ khoa học và công nghệ của các nước trong khu vực và thế giới, làm chủ được công nghệ nhập ngoại phục vụ ứng dụng trong thực tế quản lý, nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh của tỉnh.
Năm là, ban hành các chính sách hỗ trợ, đầu tư về phát triển khoa học và công nghệ:
Các cơ quan bộ, ngành Trung ương và của tỉnh cần nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách về tài chính để hỗ trợ, đầu tư cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ; hỗ trợ cho các công trình, các đề tài, giải pháp khoa học kỹ thuật hữu ích đã đoạt giải cao tại các Cuộc thi, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật, Giải thưởng khoa học và công nghệ của tỉnh, toàn quốc đưa vào triển khai áp dụng vào thực tế để phát huy mang lại hiệu quả, lợi ích cho xã hội.
Thực hiện xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ là chủ truơng lớn của Đảng và Nhà nước, là con đường tất yếu để phát triển khoa học và công nghệ và khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất của khoa học và công nghệ trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là mục tiêu và là giải pháp phát triển khoa học và công nghệ nhằm huy động nguồn lực của toàn dân, của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Cao Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội Hà Giang.