BHG- Nhiều năm qua, cây hoa Tam giác mạch (TGM) đã trở nên quen thuộc với người dân vùng Cao nguyên đá; không chỉ là một trong những cây cây lương thực phụ vụ trong đời sống hàng ngày của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Với vẻ đẹp tinh khôi mà tạo hóa ban cho, Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn đã thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Cây hoa TGM đã và đang trở thành cây trồng thế mạnh trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh nhà và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
|
Những thảm hoa Tam giác mạch dọc tuyến Quốc lộ 4C qua địa phận huyện Yên Minh
đang thời kỳ nở đẹp nhất. Ảnh: Duy Tuấn |
Trải dài trên cung đường lên Cao nguyên đá, nối từ huyện Quản Bạ đến Đồng Văn, Mèo Vạc; khách du lịch được trải nghiệm và chiêm ngưỡng từng thảm hoa TGM với lung linh màu sắc trên những vách đá bồng bềnh mây trắng. Nhiều người ví sức sống và vẻ đẹp của loài hoa mọc trên đá này giống như đức tính cần cù, chịu khó của người dân vùng cao nơi đây.
Trong những ngày này, từng thảm hoa TGM đang khoe sắc chào mừng Lễ hội hoa lớn nhất của tỉnh năm 2015. Thôn Lùng Thàng, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) là một trong những địa điểm ấn tượng để du khách dừng chân chụp ảnh với hoa TGM ch. Dưới chân “Thạch Sơn thần”, 3 ha hoa TGM đang nở rực rỡ được 6 gia đình triển khai trồng nhằm phục vụ khách du lịch. Trước đây, số diện tích này chủ yếu trồng ngô 2 vụ, năng suất đạt 5 tấn/ha, tương đương với gần 25 triệu đồng/ha; trừ hết chi, phí thu về 10 triệu đồng/ha. Từ đầu năm 2015, được sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương; các hộ có diện tích đất nằm dọc trục đường QL4C đã trồng TGM để phục vụ du lịch, được hỗ trợ hoàn toàn về giống và phân bón; do làm tốt công tác chăm sóc, cùng với lợi thế của vườn hoa nằm trong khu vực cảnh quan “ Thạch Sơn thần” càng trở nên hấp dẫn khách du lịch đến thăm quan và chụp ảnh. Đặc biệt, trước dịp Lễ hội hoa TGM năm 2015 được tổ chức tại huyện Đồng Văn, đã có hàng trăm khách du lịch đến chụp hình mỗi ngày, với mức thu 10 nghìn đồng/1 lượt khách. Đến nay, vườn hoa đã cho thu tiền được hơn 3 tuần, trung bình mỗi ngày thu được 2 triệu đồng, có ngày đông khách chụp hình, thu được hơn 4 triệu đồng/ngày.
Chị Đặng Thị Liễu, thôn Lùng Thàng, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) cho biết: Hoa TGM dễ trồng, ít công chăm sóc và cho thu nhập hơn trồng ngô. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về giống và phân bón; Trong khi đó, lượng khách du lịch lên Cao nguyên đá năm nay tăng nhiều so với năm trước nên số diện tích chuyển đổi trồng hoa TGM phục vụ du lịch đã cho thu nhập đáng kể. Cũng như các gia đình thôn Lùng Thàng, xã Quyết Tiến (Quản Bạ), gia đình chị Ly Thị Chở, thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, đã chuyển đổi 50% diện tích trồng ngô sang trồng hoa TGM để phục vụ du lịch, mỗi ngày cho thu về từ 1,5 đến 2 triệu đồng.
Bên cạnh việc phục vụ khách du lịch đến thăm quan và chụp hình, hạt của cây hoa TGM cũng là nguyên liệu chính để sản xuất bánh, kẹo TGM. Trước dịp Lễ hội hoa TGM, mỗi ngày cơ sở sản xuất bánh, kẹo của huyện Đồng Văn đã sản xuất hàng nghìn hộp bánh để phục vụ khách du lịch, tạo công ăn, việc làm ổn định cho 15 công nhân.
Năm 2015, UBND tỉnh đã xây dựng chiến lược phát triển cây hoa TGM trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, mang thương hiệu Hà Giang. Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã có 4 huyện vùng Cao nguyên đá và huyện Xín Mần trồng tập trung dọc QL4C và Tỉnh lộ 176 với tổng diện tích hơn 526 ha. Trong đó, huyện Đồng Văn trồng được trên 300 ha, trở thành cây trồng chính tạo điểm nhấn trong phát triển ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh và nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao.
Lương Hoa LHH - ST nguồn báo Hà Giang