Ngày 15/12/2015 tại Phòng hội thảo tầng 3, khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại, 489 Hoàng Quốc Việt Hà Nội, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT và Báo Đại biểu Nhân dân thuộc Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thảo “Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Hà Giang: Cơ hội, thách thức và giải pháp”.
Dự hội thảo, đại biểu ở Trung ương có: Lãnh đạo đại diện Văn phòng Quốc Hội, đại diện Hội đồng Dân tộc Quốc hội, đại diện Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương Đảng; lãnh đạo đại diện Bộ NNN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp; lãnh đạo các cục, vụ, viện đại diện các bộ, ngành Trung ương, đại diện các trường Đại học, viên nghiên cứu, các nhà khoa học và lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân dân. Đại diện tỉnh Hà Giang có: đồng chí Nguyễn Đình Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo đại diện các sở, ngành; các huyện, thành phố, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang và phóng viên Báo Đài Truyền hình Trung ương và địa phương.
Toàn cảnh Hội thảo phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh hà Giang
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo điện tử Đại biểu Nhân dân TS. Đỗ Chí Nghĩa khẳng định, Hội thảo lần này nhằm hướng tới việc Hà Giang cần tập trung xác định được thực trạng và những yếu tố quan trọng chi phối sự phát triển của lâm nghiệp của tỉnh; xác định được những định hướng, cơ chế và chương trình hành động phù hợp để chuyển đổi mô hình phát triển và huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp tỉnh Hà Giang; đồng thời tạo cơ hội chia sẻ thông tin và hợp tác giữa các nhà quản lý, hoạch định chính sách, khoa học và doanh nghiệp cho phát triển lâm nghiệp tỉnh Hà Giang.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã nhấn mạnh: Ngành lâm nghiệp và tài nguyên rừng của tỉnh có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống và sinh kế của người dân vùng cao phía Bắc của Tổ quốc trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Do phần lớn diện tích đất tự nhiên của tỉnh là đất dốc, nếu thiếu rừng thì điều kiện sinh thái và sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng với mức độ rủi ro mùa màng cao. Do vậy, ngành lâm nghiệp mà yếu tố chủ đạo là rừng trở thành “trụ đỡ” cho nền nông nghiệp, đồng thời còn là mái nhà của vùng thượng nguồn, nơi tiềm ẩn nhiều thiên tai và rủi ro. Mặc dù có tiềm năng phát triển lớn, có sứ mệnh quan trọng, nhưng ngành lâm nghiệp của tỉnh Hà Giang vẫn đang trong tình trạng kém phát triển, chưa bền vững và đóng góp chưa tương xứng cho nền kinh tế xã hội của tỉnh, nguy cơ mất rừng vẫn tiềm ẩn ở mức cao.
Thường trực Liên hiệp hội Hà Giang tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã lắng nghe các chia sẻ về những định hướng, giải pháp và chương trình hành động lớn để chuyển đổi mô hình phát triển lâm nghiệp tỉnh Hà Giang theo hướng bền vững và có hiệu quả cao. Đồng thời đều nhất trí rằng lâm nghiệp Hà Giang trước hết là một ngành kinh tế về tài nguyên môi trường, về quốc kế dân sinh, sau đó là một ngành sản xuất kinh doanh. Tới đây, Hà Giang cần phát triển lâm nghiệp theo hướng hội nhập và thương mại tự do quốc tế. Đồng thời, vận hành dựa trên công nghệ quản lý hiện đại, tiên tiến. Bên cạnh đó, liên quan tới năng lực sản xuất, lâm nghiệp Hà Giang phải đi theo hướng thân thiện với môi trường, từng bước áp dụng công nghệ cao và tạo ra giá trị có ý nghĩa, phù hợp với đặc điểm của từng tiểu vùng.
Song song, tập trung xã hội hoá nghề rừng, sử dụng nội lực là chính để bảo vệ và phát triển rừng. Huy động sử dụng các nguồn vốn từ rừng như: nguồn thu từ khai thác lâm sản, nguồn thu từ việc bồi thường rừng để xây dựng các công trình thủy điện, khai thác khoáng sản, nguồn thu từ chi phí dịch vụ môi trường rừng, nguồn thu từ xử phạt vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; ưu tiên các nguồn thu từ rừng phục vụ cho chính hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các chương trình, dự án khác để đảm bảo nguồn sinh kế cho người dân tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, cần quan tâm cung cấp đầy đủ các thông tin thị trường, có hình hỗ trợ hợp lý đối với các mặt hàng nông lâm sản khi có thiên tai, dịch bệnh. Có chính sách hỗ trợ lâm nghiệp do thiên tai, tăng cường hệ thống bảo hiểm, chia sẻ rủi ro trong lâm nghiệp, hỗ trợ dịch chuyển kinh doanh gỗ lớn, giảm các thủ tục hành chính khi các doanh nghiệp vào đầu tư tại tỉnh cũng như thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách về công tác bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng của Trung ương.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số mô hình phát triển lâm nghiệp mang lại hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hà Giang như mô hình trồng rừng kinh tế gắn với thâm canh tại xã Liên Hiệp, huyện Bắc Quang; mô hình trồng cây hồ đào (óc chó) tại huyện Đồng Văn; mô hình trồng cây hồi tại xã Đường Âm, huyện Bắc Mê; mô hình trồng cây sơn ta tại huyện Vị Xuyên; mô hình trồng cây quế tại thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên; mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng...
Kết quả Hội thảo là cơ sở để cho tỉnh Hà Giang đề ra các quyết định về chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững cho giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030./.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp hội Hà Giang.