Liên hiệp Hội Việt Nam đẩy mạnh tư vấn phản biện

 Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật. Theo đó, các đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng; các đề án, chương trình lớn của Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương sẽ được gửi lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các hội thành viên và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật cấp tỉnh như việc lấy ý kiến tham gia và trả lời của các Bộ, Ban, ngành.

Cụ thể, Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg quy định đề án cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam, các Liên hiệp hội địa phương và các hội thành viên gồm: Các đề án về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng; Các chương trình, dự án lớn, công trình quan trọng quốc gia; chương trình, dự án lớn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Các chương trình, dự án lớn, chủ trương quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức.

Như vậy, bên cạnh cơ chế cơ quan nhà nước đặt hàng và Liên hiệp hội chủ động đề xuất nhiệm vụ thì cơ chế này sẽ phát huy tối đa khả năng tham gia của Liên hiệp hội trong các dự thảo mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đây có thể xem là bước tiến trong cải cách cơ chế chính sách nhằm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16 tháng 4 năm 2010 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Ngoài ra, so với Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được ban hành ngày 30 tháng 1 năm 2002 thì Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg còn quy định cụ thể hơn về quy trình, thủ tục cũng như cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội.

Theo tinh thần các chủ trương, chỉ thị của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ thì hoạt động tư vấn độc lập nói chung và tư vấn xã hội nói riêng còn là một giải pháp quan trọng cho cải cách hành chính cả ở khu vực công và khu vực tư. Nó lại càng quan trọng hơn khi chúng ta đang cố gắng giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu phải tinh giản bộ máy trong khi khối lượng công việc lại ngày càng tăng lên theo sự phát triển của kinh tế - xã hội. Theo tinh thần cải cách của Nhà nước thì những gì có thể giao cho các tổ chức ngoài khu vực nhà nước thì Nhà nước sẽ mạnh dạn giao, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp hoàn toàn có thể sử dụng tư vấn từ bên ngoài để thực hiện các nhiệm vụ trong các chức năng định hướng vĩ mô, điều phối, hỗ trợ và thúc đẩy. Thí dụ, các viện nghiên cứu khoa học sẽ được thuê xây dựng chiến lược trung hạn hoặc dài hạn cho các ngành, các địa phương, thậm chí cho quốc gia, nhờ đó các ngành, địa phương không cần phải nuôi một bộ máy riêng cho việc này. Hoặc các dự án hỗ trợ kỹ thuật sẽ làm rất tốt các hoạt động điều phối, hỗ trợ hoặc thúc đẩy nhờ tính chuyên nghiệp của đội ngũ được tuyển chọn kỹ. Đây chính là cơ sở để tinh giản bộ máy quản lý hành chính, để cắt giảm hoàn toàn hoặc từng phần những đơn vị liên quan đến các chức năng định hướng vĩ mô, điều phối, hỗ trợ và thúc đẩy. Đây đồng thời là cơ hội cho các tổ chức cung cấp tư vấn. 

Trong hoạt động tư vấn và phản biện xã hội do Liên hiệp hội tổ chức, các quan điểm, ý kiến của các chuyên gia đưa ra mang tính khách quan và độc lập, không chịu bất kỳ sức ép nào. Liên hiệp hội luôn tạo môi trường học thuật thoải mái, bình đẳng và tự do tư tưởng, thảo luận trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở các luận cứ khoa học xác đáng và tinh thần xây dựng. Luận cứ khoa học và bằng chứng thực tiễn là thước đo cao nhất về tính đúng đắn của các ý kiến tư vấn, phản biện.

Cũng cần lưu ý là phản biện là đứng ở một góc nhìn khác, một vị trí khác, một vai trò khác để đánh giá, xem xét vấn đề mà không phải nói trái, nói ngược. Những chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch đúng sẽ được những người phản biện ủng hộ. 

Hầu hết các nhà khoa học đánh giá cao Quyết định 14/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn. Hiện nay hiệu quả của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội vẫn chưa cao, chưa rộng so với tiềm năng. Trong khi đó, một số vấn đề quan trọng ở cấp quốc gia, ngành và địa phương cần có ý kiến tư vấn, phản biện xã hội của Liên hiệp hội, các hội thành viên vẫn chưa được các Bộ, ngành, chính quyền địa phương quan tâm và chủ động đặt vấn đề.

Một số hội ngành và Liên hiệp hội địa phương còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc triển khai hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Một số địa phương vẫn chưa ban hành quy định cụ thể về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nên các đơn vị cũng chưa triển khai hoạt động này.

Để thực hiện tốt Quyết định 14/QĐ-TTg, tận dụng được thời cơ này, chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, sao cho mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức nhà nước và các đoàn thể, các hội quần chúng nhận thức đúng đắn và đầy đủ về tư vấn và phản biện xã hội, về sự cần thiết phải có tư vấn và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách sẽ được ban hành, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các đề án và dự án đầu tư. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực tư vấn và phản biện xã hội có hiệu quả cho các hội thành viên của Liên hiệp hội. Các Liên hiệp hội phải sớm xây dựng mạng lưới chuyên gia và cộng tác viên tư vấn, phản biện và giám định xã hội và thành lập các hội đồng tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo nhóm ngành trực thuộc Liên hiệp hội.

Các Liên hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, chủ động tổ chức tư vấn và phản biện độc lập đối với các chương trình, đề án sẽ được trình Quốc hội, HĐND tỉnh/thành phố thẩm định, ra nghị quyết thông qua và một số vấn đề khoa học, kỹ thuật liên quan đến các dự án đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn. 

Nguyễn Hường Liên hiệp Hội Hà Giang sưu tầm từ nguồn: www.vusta.vn

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Hà Giang: Tập huấn phát triển liên kết sản xuất gắn với KTTH trong nông nghiệp
icon Hà Giang tổ chức Hội thảo phát huy vai trò của trí thức KH&CN trong giai đoạn mới 2021-2030
icon Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
icon Hội thảo Nâng cao năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hộinhằm thực hiện hiệu quả Kết luận số 93-KL/TW của Ban Bí thư
icon Có hướng dẫn mới về cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
icon Tư vấn phản biện được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, bứt phá của Liên hiệp hội Hà Giang trong năm 2015
icon Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website