Kể từ ngày 20.3.2015, Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chính thức có hiệu lực (Thông tư số 11/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 của Bộ Tài chính).
Nhằm thể chế hóa Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng chính phủ, quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, có hiệu lực kể từ ngày 20/01/2015. Thông tư này hướng dẫn lập dự toán và cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bao gồm: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở Trung ương (Liên hiệp Hội Việt Nam) và các Hội khoa học và kỹ thuật chuyên ngành toàn quốc của Liên hiệp Hội Việt Nam (các hội ngành toàn quốc), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Liên hiệp hội địa phương), và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hội thảo về tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Ảnh minh họa
Nguyên tắc tài chính được Thông tư quy định rõ: hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là hoạt động mang tính chất xã hội, độc lập khách quan, không vì mục đích lợi nhuận. Việc phê duyệt các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội cần gắn với việc phê duyệt dự toán kinh phí và dự kiến các nguồn kinh phí thực hiện; Các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội có sử dụng ngân sách nhà nước phải được xây dựng và thực hiện phù hợp với định mức kinh tế, kỹ thuật hiện hành, chế độ, định mức chi tiêu và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
Nguồn kinh phí chi cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng đã được xác định cụ thể hơn so với Thông tư cũ, trên cơ sở: (1) Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước thường xuyên hằng năm của Liên hiệp Hội Việt Nam và Liên hiệp hội địa phương theo phân cấp ngân sách; (2) Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ ngân sách nhà nước bố trí hàng năm để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đề án về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, các chương trình, dự án lớn, công trình quan trọng quốc gia; chương trình, dự án lớn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các chương trình, dự án lớn, chủ trương quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức và các nội dung khác; (3) Kinh phí thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội do các tổ chức, cá nhân đặt hàng trên cơ sở hợp đồng theo quy định của pháp luật và (4) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Hội thảo tư vấn phản biện và giám định xã hội. Ảnh minh họa
Về nội dung chi cho hoạt động quản lý các đề tài, đề án tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Thông tư quy định chủ yếu gồm: (1) Chi công tác xác định nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tuyển chọn, giao trực tiếp cho các tổ chức và cá nhân chủ trì đề tài, đề án; thẩm định nội dung và tài chính của đề tài, đề án. Nội dung chi bao gồm: chi công lao động khoa học của các chuyên gia nhận xét, phản biện, đánh giá các hồ sơ đề tài, đề án; chi họp các hội đồng tư vấn; chi phí đi lại, ăn ở của các chuyên gia được mời tham gia công tác tư vấn và các chi phí khác liên quan); (2) Chi công tác kiểm tra, đánh giá giữa kỳ (nếu có), đánh giá nghiệm thu kết quả của đề tài, đề án. Nội dung chi bao gồm: chi công khảo nghiệm kết quả của các đề tài, đề án, chi công lao động của các chuyên gia nhận xét, phản biện, đánh giá kết quả của các đề tài, đề án; chi các cuộc họp của đoàn kiểm tra, tổ chuyên gia thẩm định, hội đồng đánh giá giữa kỳ, hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu; chi phí đi lại, ăn ở của các chuyên gia ở xa được mời tham gia đánh giá giữa kỳ, đánh giá nghiệm thu; (3) Các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến hoạt động phục vụ công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền đối với đề tài, đề án tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Thông tư cũng quy định về các mức chi cụ thể vận dụng theo hướng dẫn của liên Bộ Tài chính - Khoa học và Công nghệ về định mức xây dựng, phân bổ dự toán, quản lý sử dụng kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Theo đó, đối với việc xây dựng đề cương nhiệm vụ tư vấn, phản biện, mức chi tối đa là 5 triệu đồng/đề cương; Chi phí thuê khoán chuyên môn cho đề tài, mức chi tối đa 20 triệu/chuyên đề; Báo cáo tổng hợp kết quả nhiệm vụ tư vấn, phản biện mức chi tối đa 30 triệu đồng/báo cáo, tùy theo từng báo cáo hội thảo, đề án, dự án. Đặc biệt, nét mới trong thông tư này, có quy định rõ về thù lao trách nhiệm điều hành chung của chủ nhiệm (trong đó có chi thù lao trách nhiệm cho thư ký và kế toán của nhiệm vụ theo mức do chủ nhiệm quyết định).
Các nội dung chi cho công tác quản lý hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng được quy định tại một điều riêng, bao gồm: Chi thuê xe phục vụ công tác chuyên môn liên quan đến hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Chi kiểm tra, đánh giá các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Chi công tác phí cho chuyên gia tư vấn hỗ trợ địa phương, hội thảo khoa học, hội nghị; biên soạn và in ấn sách chuyên khảo, kết quả về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Chi thông tin liên lạc, văn phòng phẩm; Chi thực hiện về thông tin, tuyên truyền kết quả thực hiện, sản phẩm đạt được của các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội và các khoản chi khác liên quan đến hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Về lập dự toán, phân bổ kinh phí được Thông tư nêu rõ: Kinh phí chi cho công tác quản lý hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội và các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội ngành toàn quốc được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của Liên hiệp Hội Việt Nam. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội địa phương được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước giao cho các Liên hiệp hội địa phương. Trường hợp Liên hiệp Hội Việt Nam ký hợp đồng với Liên hiệp hội địa phương thực hiện nhiệm vụ thì Liên hiệp Hội Việt Nam có trách nhiệm bố trí kinh phí trong dự toán chi ngân sách của mình và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để chuyển giao cho Liên hiệp hội địa phương thực hiện…
Thông tư có hiệu lực thi hành, tạo cơ sở quan trọng giúp cho hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật từ trung ương đến địa phương thực hiện tốt hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của mình trong thời gian tới, một nhiệm vụ đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm./.
Đức Hiện