Việc thu thập, nghiên cứu và xác định các chứng cứ lịch sử để tổng hợp, bổ xung vào kho tư liệu lịch sử của dân tộc là công việc quan trọng, cần thiết thực hiện thường xuyên, liên tục. Khi phát sinh hiện những chứng cứ lịch sử khác so với những chứng cứ đã được ghi nhận trước đó, thì việc tổ chức Hội thảo khoa học để đánh giá và xem xét tính khoa học của những chứng cứ mới, nhằm kiến nghị xem xét bổ sung, là rất cần thiết.
Mới đây, Trung tâm UNESCO Việt Nam đã phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, biên soạn dự thảo bộ sách “Địa chí tỉnh Hà Giang”. Cuốn tài liệu đã được nghiệm thu vào trung tuần tháng 8 năm 2015. Trong đó, chương 29 về dựng đặt các đơn vị hành chính có đặt vấn đề: có thể lấy ngày 5-5-1900 là ngày thành lập tỉnh Hà Giang, mà trước đó trong cuốn: Hà Giang 110 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển (1891-2001), NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011 đã được xác định là ngày 20-8-1891.
Trong khuôn khổ bài viết, xin được trao đổi, lập luận một số vấn đề liên quan đến việc xác định ngày thành lập tỉnh Hà Giang theo tài liệu của nhóm tác giả Trung tâm UNESCO Việt Nam, đó là:
(1) Tác giả phủ định việc lấy ngày 20-8-1891 là ngày thành lập tỉnh Hà Giang, với lý do: thứ nhất, “Tiểu quân khu Hà Giang thành lập ngày 20-8-1891, tuy bao gồm toàn bộ lãnh thổ tỉnh Hà Giang ngày nay nhưng đến ngày 9-9-1891, chỉ sau 19 ngày lại bị tách ra một nửa (huyện Vĩnh Tuy) sang Đạo quan binh khác; thứ 2, “Tiểu khu Hà giang thành lập ngày 20-8-1891 thuộc Đạo quan binh 2, chỉ tương đương với đơn vị hành chính dân sự cấp huyện của tỉnh”
(2) Tác giả kiến nghị lấy ngày 5-5-1990 là ngày thành lập tỉnh Hà Giang, với lý do: thứ nhất, “Từ ngày 5-5-1900, toàn bộ lãnh thổ tỉnh Hà Giang ngày nay là Đạo binh 3 Hà Giang, đạo lỵ đặt tại Hà Giang”; thứ 2, “theo Nghị định ngày 15/11/1990 của Toàn quyền Đông dương Paul Doumer: chỉ huy các Đạo quan binh có vai trò, vị trí, chức năng, quyền hạn, việc quản lý lãnh thổ, tài sản và ngân sách thu- chi, kiểm tra, giám sát công trình... như một quan chức đứng đầu một tỉnh dân sự. Mỗi đạo quan binh được chia thành các Tiểu quân khu, các phân khu (secteur) và chỉ huy các Tiểu quân khu, các phân khu có vai trò... như một quan đứng đầu một huyện dân sự”.
Như vậy, theo giải thích của tác giả ở trên về lý do bác bỏ ngày 20-8-1891 và lấy ngày 5-5-1900 là ngày thành lập tỉnh Hà Giang, thì vấn đề đặt ra cần làm rõ ở đây là:
- Thứ nhất, thực chất Tiểu khu Hà Giang được thành lập vào ngày 20-8-1891 có phải là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện hay không”?
- Thứ hai, ngày 9-9-1891 việc chia tách huyện Vĩnh Tuy một phần lãnh thổ của tỉnh Hà Giang (ngày nay là các huyện Quan Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì và một phần đất huyện Vị xuyên, Bắc Quang bên hữu sông Lô) sang Đạo quan binh khác, có được coi là lý do chính đáng để kiến nghị bác bỏ ngày thành lập là ngày 20-8 hay không?
- Thứ 3, những tư liệu lịch sử và lập luận của tác giả về việc lấy ngày 5-5-1900 là ngày thành lập tỉnh có phù hợp hay không?
Đối với những vấn đề trên, để xem xét, cân nhắc việc chấp thuận hay không chấp thuận lý do lấy ngày 5-5-1900 là ngày thành lập tỉnh Hà Giang, thay cho ngày 20-8-1891 đã được ghi nhận trong cuốn: Hà Giang 110 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển (1891-2001), NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011... thì cần phải xem xét kỹ lưỡng các tư liệu lịch sử, mà ở đây là thực chất về quyền hạn của đơn vị hành chính mà các Nghị định nêu gắn với từng giai đoạn lịch sử.
Theo các tư liệu lịch sử như: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bách khoa tri thức, tư liệu được nêu trên trang web: www.wikipedia.org hay Dự thảo Dư địa chí Hà Giang của nhóm tác giả Trung tâm UNESCO Việt Nam gửi, cho thấy:
Ngày 31-8-1958, Hải quân Pháp đổ bộ tấn công vào cảng Đà Nẵng, đến năm 1887, hoàn thành hoàn tất quá trình xâm lược Việt Nam, người Pháp đã tổ chức ra một bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh từ trung ương cho đến địa phương. Năm 1887, ở trung ương hình thành Phủ toàn quyền Đông Dương, đứng đầu Phủ toàn quyền gọi là Toàn quyền Đông Dương, là người có quyền hành cao nhất trong thể chế chính trị Pháp trên toàn cõi Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ và Cao Miên. Đứng đầu ở 3 kỳ là: Thống đốc Nam kỳ, Khâm sứ Trung kỳ và Thống sứ Bắc kỳ, cả ba đều nằm dưới quyền giám sát và điều khiển tối cao của viên Toàn quyền Đông Pháp, trực thuộc bộ Thuộc địa. Ở cấp thấp hơn, đứng đầu mỗi tỉnh là Công sứ (Résident) và Phó sứ (Résident adjoint). Lúc bấy giờ trực tiếp dưới quyền Thống sứ Bắc Kỳ là ba công sứ: Hải Phòng, Sơn Tây, Nam định, 8 phó Công sứ: Hải Dương và Tiên Yên, Tuyên Quang và Lào Cai, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Thất Khê.
Ngày 6-8-1891, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định bãi bỏ các Quân khu (được thành lập ngày 15-4-1888, từ Thanh Hóa trở ra có 14 Quân khu) và cho thiết lập các Đạo quan binh (Terri toire militaire), là đơn vị hành chính đặc biệt do giới quân sự tiến hành để bảo vệ sự thống trị của Pháp tại các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Theo Nghị định đầu tiên này, mỗi Đạo quan binh do một sĩ quan đứng đầu làm tư lệnh với đầy đủ quyền quân sự và dân sự. Về quyền quân sự, chỉ chịu sự chỉ đạo tối cao của Tổng tư lệnh lực lượng quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Về quyền dân sự, ngang với Thống sứ Bắc Kỳ và chịu sự chỉ đạo tối cao của Toàn quyền Đông Dương. Mỗi Đạo quan binh lại được chia ra thành nhiều Tiểu quân khu. Đứng đầu Tiểu quân khu là một sĩ quan có quyền hành tương đương như Công sứ đầu tỉnh dân sự.
Ngày 20/8/1891, Toàn quyền Đông Dương De Lanessan ban hành 3 Nghị định:
1/ Nghị định về việc lấy các đơn vị hành chính thuộc một số tỉnh và vùng để lập ra 4 Đạo quan binh, thường gọi là Đạo lỵ.
2/ Nghị định về việc thiết lập các Tiểu quân khu (cercle), quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu về tổ chức nhân sự, lực lượng của các Tiểu quân khu trong các Đạo quan binh. Chỉ huy Tiểu quân khu là một sĩ quan cao cấp, được trao các quyền hạn như Công sứ, phó Công sứ và trực tiếp quản lý hành chính Tiểu quân khu; Chỉ huy Tiểu quân khu do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm theo đề nghị của Tướng Tổng chỉ huy tối cao quân đội Pháp ở Đông Dương.
3/ Nghị định phân chia Đạo quan binh 2 thành 3 Tiểu quân khu là Tiểu quân khu Lạng Sơn, Tiểu quân khu Cao Bằng và Tiểu quân khu Hà Giang (Tiểu quân khu Hà Giang có phủ Tương Yên và huyện Vĩnh Tuy)
Những chứng cứ tư liệu lịch sử nêu trên cho thấy:
- Thứ nhất, tại thời điểm năm 1891, Tiểu quân khu (cercle) là đơn vị hành chính cấp tỉnh, không thể coi là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện được. Vì 3 lý do: (1) Tiểu quân khu (cercle) thực hiện chức năng trực tiếp quản lý hành chính trong phạm vi Tiểu quân khu, Sĩ quan đứng đầu Tiểu quân khu có quyền hạn như Công sứ, phó Công sứ (Công sứ là người đứng đầu tỉnh, nằm dưới quyền quản lý của Thống sứ Bắc kỳ); (2) Tiểu Quân khu do Toàn quyền Đông dương bổ nhiệm; (3) Đạo quan binh là đơn vị hành chính đặc biệt, về dân sự có quyền ngang với Thống sứ (tức là đơn vị hành chính cấp trên của tỉnh, Toàn quyền đông dương quản lý người đứng đầu 3 kỳ với Thống sứ ở Bắc kỳ, Khâm sứ ở Trung kỳ và Thống đốc ở Nam kỳ);
- Thứ 2, Mặc dù sau 19 ngày thành lập thì huyện Vĩnh Tuy thuộc Tiểu quân khu Hà Giang chuyển sang Đạo quan binh khác nhưng thực tế phần lớn diện tích của Tiểu quân khu Hà Giang (gồm các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên phần tả ngạn Sông Lô) vẫn được giữ nguyên.
- Thứ 3, lần đầu tiên có một Nghị định thành lập Tiểu quân khu Hà Giang – đơn vị quản lý hành chính cấp tỉnh (ngày 20-8-1891) và có một sĩ quan đứng đầu quản lý tương đương với Công sứ quản lý đầu tỉnh), dưới tỉnh có phủ Tương Yên và huyện Vĩnh Tuy.
Mặt khác trong cuốn Hà Giang 110 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển (1891-2001), NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011. Được Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang thông qua, có PGS.TS Trần Đức Cường, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử đảng, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham gia biên tập và chỉnh sửa..., với những chứng cứ, tư liệu Lịch sử, đã ghi nhận và xác định lấy ngày 20-8-1891 là ngày thành lập tỉnh Hà Giang.
Về ý kiến “có thể xác định ngày 5-5-1900 là ngày thành lập tỉnh Hà Giang”. Theo tư liệu lịch sử, Đến ngày 5-5-1900 Nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer quy định: Đạo Quan binh 3 chỉ còn 2 Tiểu quân khu, đó là Tiểu quân khu Hà Giang và Tiểu quân khu Bắc Quang. Sau nhiều lần thay đổi về tổ chức và giới hạn phạm vi hoạt động cả các Đạo quan binh, ngày 15-11-1900, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer theo đề xuất của tướng Tổng chỉ huy quân đội ở Đông Dương và sự nhất trí của Hội đồng Tối cao Đông Dương đã ban một Nghị định với 18 điều nhằm quy định cụ thể, tăng cường và củng cố hơn nữa vai trò, vị trí, các chức năng, quyền hạn, việc quản lý lãnh thổ, tài sản và ngân sách thu - chi, kiểm tra, giám sát các công trình… cho chỉ huy các Đạo quan binh như một quan chức đứng đầu một tỉnh dân sự, dưới mỗi đạo quan binh có các Tiểu quân khu, các Phân khu, có vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn, việc quản lý lãnh thổ, tài sản, quản lý thu- chi.. như một quan đứng đầu một huyện dân sự.
Với những tư liệu lịch sử nêu trên cho thấy chưa đủ tính thuyết phục để lấy ngày 5-5-1900 là ngày thành lập tỉnh Hà Giang. Với lý do:
(1) Đến năm 1900, sau 9 năm hình thành Đạo quan binh, từ quyền hạn ngang với Thống sứ (năm 1891), Đạo quan binh được quy định với quyền hạn hạn chế hơn, chỉ tương đương với quan đầu tỉnh dân sự. Nên không thể lấy Quyền hạn của Đạo quan binh thời điểm năm 1900 (được coi là quan đầu tỉnh) để so sánh với Quyền hạn của Đạo quan binh được quy định năm 1891 (tương đương Thống sứ).
(2) Thời điểm năm 1900 không phải là lần đầu tiên Toàn quyền đông dương ban hành Nghị định về việc thành lập Tỉnh Hà Giang. Vấn đề chỉ khác nhau đó là: thời điểm năm 1891, Tiểu quân khu Hà Giang có quyền hạn như Công sứ (quan đầu tỉnh); còn đến năn 1900, Đạo quan binh 3 do chia tách nhiều so với trước đó... nên quyền hạn hạn chế hơn, chỉ tương đương quan đầu tỉnh.
Với những vấn đề tham luận nêu ở trên cho thấy. Việc xác định ngày, tháng, năm thành lập tỉnh Hà Giang là hết sức quan trọng và cần được nghiên cứu sâu hơn. Nếu các tác giả, các nhà khoa học đưa ra được các tư liệu, chứng cứ lịch sử rõ ràng hơn những tư liệu lịch sử đã được ghi nhận trong cuốn Hà Giang 110 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển (1891-2001), NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011. Thì có thể xem xét. Nếu chưa thể, thiết nghĩ vẫn nên lấy ngày 20-8-1891 là ngày thành lập tỉnh Hà Giang.
Đức Hiện.