Tác dụng của cây đinh lăng và cách trồng cây đinh lăng trong chậu cảnh

 

Cây đinh lăng và công dụng của nó

          Cây đinh lăng gồm nhiều loại phân biệt bởi hình dạng và kích thước lá, nhưng cây đinh lăng lá có lá nhuyễn hay còn gọi lá cây gỏi cá được trồng nhiều do lá cây được dùng như một loại rau sạch có vị thuốc tốt cho sức khỏe. Để trang trí làm cây cảnh và để làm thuốc, mỗi nhà nên trồng một vài chậu cảnh cây đinh lăng tại nhà, vừa làm cây cảnh vừa có thể hái lá ăn như rau sống.

          Danh y Hải Thượng Lãn Ông gọi cây đinh lăng là cây sâm của người nghèo. Bởi trong dân gian cây đinh lăng rất dễ tìm và lại rẻ tiền. Tuy rẻ và dễ kiếm, nhưng cây đinh lăng có rất nhiều tác dụng tốt đã được công nhận cả về kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, lẫn các công trình nghiên cứu đã được công bố và đưa vào thực tiễn sản xuất dược trị bệnh.

          Khi nói đến cây đinh lăng dược liệu, thì đó là loài đinh năng xẻ lá nhỏ. Tên khoa học là Polyscias fruticosa L. Harms, thuộc họ Ngũ gia bì - Araliaceae; nhóm cây gỗ nhỏ, cao 0,8 - 1,5 mét, không lông, không gai, lá kép 3 lần lông chim, dài 20 - 40 cm. Cây được trồng phổ biến để làm gia vị, làm cây cảnh và làm thuốc.

          Công dụng chữa bệnh của cây đinh lăng:

          - Chữa phong thấp, thấp khớp (dùng rễ đinh lăng).

          - Chữa ho suyễn (rễ cây đinh lăng).

          - Nổi mề đay, ngứa, dị ứng (lá đinh lăng).

          - Chữa tắc tia sữa (rễ nấu nước hoặc lá nấu cháo).

          - Bồi bổ cơ thể, ngừa dị ứng (rễ nấu nước uống) hoặc có thể ngâm rượu củ đinh lăng dùng trong các bữa ăn hàng ngày.

          - Bảo vệ tế bào gan,

          Tác dụng của cây đinh lăng:

          + Hoạt huyết dưỡng não: Dưới tác dụng của đinh lăng, vỏ não được hoạt hóa nhẹ và có tính đồng bộ, các chức năng của hệ thần kinh về tiếp nhận và tích hợp đều tốt hơn.

          + Dùng đinh lăng phòng và điều trị các bệnh kém tập trung, suy giảm trí nhớ, căng thẳng thần kinh, suy nhược thần kinh. Những người thiểu năng tuần hoàn não, tiền đình với các chứng hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, mất thăng bằng dùng cây đinh lăng có tác dụng rất tốt.

          + Đinh lăng còn ức chế men MAO nên cải thiện triệu chứng run của bệnh Parkinson. Người già bị bệnh run tay, run chân uống nước rễ đinh lăng bệnh tình cải thiện một cách rõ rệt.

          + Ở Ghana, cây đinh lăng lá xẻ được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian để chữa bệnh hen suyễn

          + Trong dân gian, lá đinh lăng thường được dùng để làm thuốc lợi tiểu. Cũng vì tính năng này. Những bệnh nhân cao huyết áp khi đang lên cao có thể dùng lá đinh lăng nấu nước uống để tiểu được nhanh và huyết áp hạ.

          + Nghiên cứu bột rễ đinh lăng lá nhỏ đã phát hiện thấy nó rất giống sâm. Bột này chứa 20 axit amin, trong đó có một số axit amin cơ thể người không thể tổng hợp được, vitamin nhóm B và các nguyên tố vi lượng.

          + Rễ cây Đinh lăng 3 năm tuổi chứa hàm lượng hoạt chất cao trong vỏ như gluxit, saponin triterpenic, tanin. Thân và lá cũng chứa chúng nhưng hàm lượng thấp hơn. Khi so sánh thành phần dịch chiết của Đinh Lăng lá nhỏ và Nhân Sâm Triều Tiên, người ta thấy dịch chiết rễ đinh lăng lá nhỏ có 7 vết  còn Nhân sâm Triều Tiên có 12 vết, trong đó có 6 vết giống nhau.Vì vậy dùng đinh lăng để bồi bổ cơ thể là rất tốt. Các chế phẩm rễ đinh lăng lá nhỏ được các nhà nghiên cứu Nga gọi là “Thuốc sinh thích nghi” (Adaptogen) và đã được Liên Xô và nước ta sử dụng trong chương trình du hành vũ trụ Intercosmos và chứng tỏ nó tốt hơn Sâm Liên Xô.

          + Để chữa tắc tia sữa, các bà bầu vẫn dùng lá để nấu cháo ăn, hoặc rễ cây đinh lăng sắc uống.

          + Cây đinh lăng cũng có tác dụng bảo vệ tế bào gan, giải độc, nên thường được dùng trong đông y để chữa bệnh dị ứng, nổi mẩn, nóng trong người.

          + Người già chân tay đau nhức do thấp khớp hàng ngày dùng nước sắc củ đinh lăng hoặc ngâm rượu củ đinh lăng uống sẽ cải thiện bệnh chân tay đau nhức.

          + Để phòng bệnh co giật ở trẻ em, ta dùng lá phơi khô nhồi làm gối cho trẻ.

          Có thể nói cây đinh lăng có tác dụng rất tốt trong việc bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng, tăng sức dẻo dai cho cơ thể. Là loại thuốc rẻ tiền để chữa các bệnh phổ biến trong dân gian như đã đề cập ở trên. Vì vậy, nếu có điều kiện mỗi gia đình nên trồng một vài cây quanh nhà. Vừa để làm cảnh, vừa để bảo vệ nguồn gen quý hiếm. Mỗi khi cần sử dụng là có ngay. Thực tế rất nhiều người đã và đang trồng như vậy. Định kỳ vài ba năm đào gốc lên là có thể dùng cây đinh lăng đó ngâm rượu, làm thuốc, thân cảnh trồng lại rất dễ dàng cho những lần sử dụng sau.

          Những loại cây đinh lăng ngâm rượu để chữa bệnh:

          Thông thường để ngâm rượu đinh lăng. Chúng ta dùng củ để ngâm rượu cho bổ, đẹp mắt chứ không ai dùng cả cây đinh lăng để ngâm rượu.

          Tùy vào mục đích sử dụng,điều kiện kinh tế của người dùng mà chọn các dòng củ có giá khác nhau.

          Cây đinh lăng lá nhuyễn vừa dễ trồng vừa ít tốn công chăm sóc do cây có thể chịu hạn và thích hợp với nhiều loại đất trồng cây, miễn đảm bảo thoát nước tốt.

Tác dụng của cây đinh lăng và cách trồng cây đinh lăng trong chậu cảnh

Loại cây đinh lăng lá nhuyễn dễ trồng và dễ chăm sóc

          Cách trồng cây đinh lăng trong chậu cảnh      

          Chọn đất và chậu trồng cây:

          Đất trồng cây đinh lăng có thể trộn hỗn hợp đất thịt tự nhiên hay đất pha cát và phân hữu cơ hoai mục cùng ít trấu sống theo tỷ lệ 2:1:0,5 hay dùng đất sạch ngoài thị trường có đóng bao sẵn trộn thêm đất dinh dưỡng phân trùn quế theo tỷ lệ 2:1.

          Chọn chậu để trồng cây đinh lăng lá nhuyễn có kích thước khoảng cao 40 cm, đường kính 35-40 cm, nếu sau này cây lớn thì có thể trồng sang chậu lớn hơn.

          Chậu trồng cây đinh lăng tại nhà nên chọn chậu sành để giữ bộ rễ cây phát triển tốt nhất, vì rễ cây đinh lăng cũng là vị thuốc rất tốt. Nhớ kê đáy chậu sau khi trồng cây để nước tưới thoát tốt.

          Nhân giống cây đinh lăng lá nhuyễn:

          Cây đinh lăng có thể trồng bằng cách giâm cành và trồng quanh năm, nhưng tốt nhất nên trồng mùa nắng để cành giâm không bị thối úng.

          Chọn cây có thân nhánh có kích thước khoảng 1,5-2cm, cắt nhánh thân thành từng đoạn ngắn (hom giống) khoảng 18-20 cm bằng dao bén, tỉa bớt lá để hạn chế thoát nước, chấm gốc hom giống vào thuốc kích thích ra rễ như Atonik, NAA, N3M, Root… sau đó ghim hom giống sâu 5-7 cm nghiêng góc 30 độ vào khay hay chậu có lớp đất hay giá thể tơi xốp dầy khoảng 15-18 cm, dùng 4 ngón tay ấn xung quanh gốc ghim giúp cố định. Tưới nước đủ ẩm bằng vòi nước nhẹ.

          Nhớ để hom giống sau khi giâm cành vào nơi thoáng râm mát hay dưới lưới tấn cây. Tránh làm xê dịch hom sau khi ghim để cành giâm mau ra rễ. Ngày tưới nước nhẹ hai lần.

          Sau thời gian 25-30 ngày thì lá non bắt đầu nhú ra là hom giống đã ra rễ, khi thấy ra nhiều lá mới dài được 10 cm thì nhổ đem ra trồng trong chậu (thời gian 50-60 ngày sau khi giâm cành).

Cành giâm sau khi ra rễ được đem trồng vào chậu

Cành giâm sau khi ra rễ được đem trồng vào chậu

          Bón phân và tưới nước:

          Khi mới trồng cây con vào chậu thì tưới nước đầy đủ để cây mau phục hồi và phát triển tán lá.

          Cây đinh lăng có thể trồng nơi có đầy đủ ánh sáng hay chỉ một phần chiếu sáng, nên thích hợp đặt chậu trồng cây ở sân thượng.

          Khi cây đinh lăng đã lớn nhiều cành nhánh thì có thể tưới một ngày một lần trong mùa nắng, mùa mưa tưới cách ngày.

          Vì cây trồng tại nhà để hái lá non dùng làm rau sạch nên chỉ bón phân trùn quế vào gốc một lớp 2-3 cm khi thấy rễ cây mọc nhô lên trên, hay hai tháng bón phân một lần, không cần dùng phân hóa học bón cho cây.

          Phòng trừ sâu bệnh và vị thuốc:

          Cây đinh lăng lá nhuyễn ít khi bị sâu bệnh tấn công, trường hợp thấy có sâu ăn lá thì nên bắt bằng tay vào chiều tối hay sáng sớm. Do cây trồng tại nhà nên hạn chế không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Trường hợp có mưa to kéo dài cần kiểm tra cây có bị ứ nước không vì rễ cây khá nhạy cảm khi bị úng nước.

          Cây đinh lăng có thể sống rất lâu khoảng vài chục năm, cây càng lâu năm thì có bộ rễ càng quý ví như một loại nhân sâm có vị thuốc tốt, có thể dùng rễ cây đinh lăng để ngâm rượu để phòng và chữa nhiều loại bệnh.

          Riêng lá cây đinh lăng lá nhuyễn trồng được 2-3 năm tuổi thì dùng để ăn như rau sạch hay chế biến thành vị thuốc mới có tác dụng.

 Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch LHH Hà Giang (sưu tầm)

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Phổ biến kiến thức ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá tại huyện Quản Bạ
icon Hơn 300 người dân huyện Mèo Vạc được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò vàng
icon Tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển cây ăn quả ôn đới, tạo sinh kế cho người dân tại xã Lùng Tám, Cán Tỷ, huyện Quản Bạ
icon Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
icon Tác hại của Amiăng trắng và khuyến cáo sớm ngừng việc sử dụng Amiăng trắng trong chất liệu tấm lợp
icon Cây sưa, giá trị của gỗ sưa đỏ và kỹ thuật trồng cây gỗ sưa
icon Hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức- Cần đẩy mạnh hơn nữa.
icon Cần phải có giải pháp chủ động ứng phó với đợt diễn biến thời tiết nắng nóng đỉnh điểm diễn ra trong mùa hè năm nay
icon Hội thảo khoa học "Giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù phát triển KT-XH xã đặc biệt khó khăn huyện Yên Minh"
icon Phổ biến kiến thức về kỹ thuật nuôi ong lấy mật bạc hà tại 2 xã: Sủng Trà và Sủng Máng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website