Cao nguyên đá Đồng Văn được biết đến bởi vẻ đẹp hùng vĩ của những dãy núi đá tai mèo sừng sững, nét đơn sơ mộc mạc của con người… và càng đẹp hơn vào mùa hoa tam giác mạch. Những bông hoa tam giác mạch hồng trắng li ti, mới đầu hoa nở có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ ở giữa một hạt mạch quý. Những bông hoa đó đã tạo nên những bức ảnh tuyệt vời nhưng ít ai biết được Tam Giác Mạch là loại cây gì và vì sao người ta trồng hoa Tam Giác mạch cũng như đầy đủ các hoạt chất trong cây.
Tam giác mạch hay còn có tên khác là Mạch Ba Góc hay Kiều Mạch, là loại thân cỏ cao 30–80 cm, có phân cành, lá hình tim, chùm hoa ở nách lá hay ở ngọn, hoa màu trắng hay trắng phớt hồng, quả ba góc nhọn, màu nâu đen, hạt có nội nhũ được bà con vùng cao gieo trồng nhiều trên các vách núi và thung lũng. Sau mùa lúa nương, người dân bắt đầu gieo hạt tam giác mạch, đến cuối tháng 11 đầu tháng 12 thì thu hoạch.
Trong hạt tam giác mạch có các thành phần như sau: Tanin: 2,42%; Flavonoid tổng số: 2,41%; (trong 100g có 43,52 g Hydratcacbon; 9,77g Protein; 2,08 g Chất béo; 15,56 mg Chất xơ ; 0,13 mg Inositol; 36,5 mg Lysine; 102 mg Threonin; 18,07mg Tryptophan; 22,64 mg Fe:; 4,3mg Kẽm ; 0,08mg Selen).
Những cánh đồng hoa tam giác mạch trải dài tạo ra những cảnh quan ngây ngất lòng người đó chính là nhờ chất flavonoit, đây là chất tạo màu cho hoa quả, vỏ cành, lá cây, ngoài ra nó còn có tác dụng ngăn ngừa các nguy cơ: xơ vữa động mạch, tai biến mạch, lão hoá, tổn thương do bức xạ, thoái hoá gan, chống độc, giải độc gan, chống viêm.
Chất Tanin trong tam giác mạch có có tác dụng kháng khuẩn nên dùng làm thuốc súc miệng khi niêm mạc miệng, họng bị viêm loét, có tác dụng chữa viêm ruột, chữa tiêu chảy, ngộ độc đường tiêu hóa.Tanin còn có tác dụng làm đông máu nên dùng đắp lên vết thương để cầm máu, chữa trĩ, rò hậu môn; Lysine là một trong 12 axit amin thiết yếu cần có trong bữa ăn hằng ngày, giúp tăng cường hấp thụ và duy trì canxi, ngăn cản sự bài tiết khoáng chất này ra ngoài cơ thể, lysine có tác dụng tăng trưởng chiều cao, ngăn ngừa bệnh loãng xương, bệnh tim và đột quỵ; Threonin (102mg/100g) hỗ trợ hình thành collagen và elastin - hai chất liên kết các tế bào trong cơ thể, rất tốt cho hoạt động gan, tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy cơ thể hấp thụ mạnh các dưỡng chất; Tryptophan (18,07mg/100g) được gan chuyển hóa thành niacin (vitamin B3) và cung cấp tiền chất của serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh giúp cơ thể điều hòa sự ngon miệng, giấc ngủ.
Ngoài ra còn có Sắt (Fe: 22,64mg/100g), Kẽm (Zn: 4,3mg/100g); Selen (Se: 0,08mg/100g); Inositol (hàm lượng 0,13mg/100g) giúp cải thiện triệu chứng lo lắng và trầm cảm; Hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ;Nâng cao sức khỏe màng tế bào tóc và da.
Trong lá và hoa có Rutin: Tỷ lệ rutin thay đổi tùy theo bộ phận, mùa thu hái, cách phơi sấy, tỷ lệ trong lá cao nhất 7,92% còn trong thân thấp nhất 0,4%. Qua nhiều công trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng rutin có đặc tính chống oxy hoá mạnh, có tác dụng tăng tính bền của thành mạch, giảm độ thấm của mao mạch, giúp ngăn ngừa xơ vữa, làm giảm khả năng gây độc của cholesterol. Ngoài ra rutin còn có tác dụng chống đông máu do làm giảm quá trình kết dính tiểu cầu, khi bổ sung các sản phẩm có chứa rutin sẽ duy trì đựơc nồng độ cholesterol tốt trong máu. Do đó ngăn chặn các bệnh huyết áp cao, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành..
Tanin: Hàm lượng tanin trong lá và hoa trong khoảng 1-10%. Qua những hoạt chất trong cây tam giác mạch, ta thấy loài cây này có rất nhiều công dụng. Bà con thường hái thân còn non đem về luộc ăn như một loại rau rừng bình thường, có vị hơi ngai ngái. Đối với hạt tam giác mạch, được phơi khô xay nhỏ thành bột dùng để làm bánh. Bánh tam giác mạch hương vị khá lạ. Bánh dẻo như bánh nếp nhưng thơm vị mạch và ngọt đậm đà. Ngoài ra có một món chế từ hạt tam giác mạch trộn với hạt ngô để nấu rượu tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn mà không một nơi nào có được đó là rượu tam giác mạch.
Như vậy, những cánh đồng hoa tam giác mạch không những tạo cảnh quan tươi đẹp thu hút đông đảo khách du lịch mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Chính những ý nghĩa to lớn đó mà UBND tỉnh Hà Giang đã quyết định xây dựng chiến lược phát triển cây tam giác mạch trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu của tỉnh. Theo đó vào mùa, cây tam giác mạch sẽ được trồng quy mô hơn, tập trung hơn và các sản phẩm tam giác mạch sẽ được chú trọng phát triển đây sẽ là loại cây xóa đói giảm nghèo, có giá trị kinh tế cao cho các huyện vùng Cao Nguyên Đá.
Phạm Thị Hiền - LHH