Trong mấy thập kỷ gần đây, ngành kinh tế nông nghiệp trong nước và trên thế giới có những bước tiến hết sức mạnh mẽ, kéo theo sự phát triển của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Việc hình thành các mô hình kinh tế trang trại được xem là nhân tố quyết định thúc đẩy sự phát triển sản xuất hàng hóa. Những mô hình trang trại hiệu quả đó đã thúc đẩy sự phát triển của nông, lâm, ngư, nghiệp.
Ở nước ta, mô hình kinh tế trang trại đang phát triển có hiệu quả, mang lại thu nhập cho người nông dân. Theo báo cáo tổng kết của ngành nông nghiệp có 4 mô hình phát triển kinh tế trang trại thành công được đúc rút, đó là:
1. Mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC)
Đây là mô hình trang trại quen thuộc của nông dân Việt Nam. VAC là một mô hình thâm canh sinh học cao, trong đó trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm là chính, có quan hệ khăng khít với nhau, tạo nên một một hệ thống canh tác tổng thể, giúp sử dụng hợp lý và tốt hơn nguồn đất đai, nguồn nước và năng lượng mặt trời để đạt tới hiệu quả kinh tế cao với mức đầu tư thấp.
Tiêu biểu cho mô hình kinh tế hiệu quả này là trang trại kết hợp nuôi lợn, cá, gia cầm và trồng cây hoa màu, cây ăn quả với nhau. Bên cạnh đó kết hợp thêm mô hình dịch vụ du lịch sinh thái như dịch vụ câu cá thư giãn kết hợp có khả năng đem lại hiệu quả ở mức 200 - 300 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình VAC tiêu biểu (ảnh minh họa)
2. Biến thể của mô hình VAC
Từ mô hình VAC nói trên, những người nông dân giỏi giang đã mở rộng bất động sản của họ để đầu tư, phát triển nhiều mô hình khác như: Vườn - ao - hồ; Vườn - ao - chuồng - ruộng; Vườn - ao - chuồng - rừng. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểm về những mô hình trang trại hiệu quả này.
a) Mô hình Vườn - Ao - Chuồng - Ruộng (VACR)
VACR là mô hình kinh tế trang trại kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản (nuôi cá, tôm) với trồng cây ăn quả và trồng lúa nước. Mô hình này thường được áp dụng ở các tỉnh miền đồng bằng, trung du Bắc bộ vựa lúa của Việt Nam.
Trồng lúa kết hợp với tôm, cua, cá (ảnh minh họa)
Mô hình này, được nghiên cứu, đánh giá là mô hình trang trại thành công nhất ở vùng đồng bằng, trung du miền núi và được nhiều hộ dân áp dụng. Mô hình trang trại VACR có thể mang tới thu nhập đến 200 triệu đồng/ha/năm, bao gồm các sản phẩm là lúa, cây ăn quả: nhãn, xoài, bưởi, táo, lợn và cá.
b) Mô hình Vườn - Ao - Chuồng - Rừng
Một mô hình kinh tế trang trại khác cũng có tên viết tắt là VACR và được nhiều nông dân các tỉnh vùng miền núi áp dụng chính là mô hình Vườn - Ao - Chuồng - Rừng. Việc xây dựng và phát triển mô hình trang trại theo hướng tổng hợp VACR này đã giúp nhiều gia đình xóa đói giảm nghèo.
Nuôi lợn rừng kết hợp với trồng rừng (ảnh minh họa)
Tiêu biểu của mô hình xóa đói giảm nghèo và cũng là mô hình kinh tế hiệu quả này đối với chăn nuôi đó là việc kết hợp nuôi lợn rừng với gà địa phương thương phẩm và cá; việc trồng rừng kết hợp với trồng các cây dược liệu quý như trồng các loại cây: quế, keo, mỡ vừa giúp tăng thu nhập, vừa góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc. Hiệu quả mô hình có thể cho thu nhập lên đến 200 triệu đồng/ha/năm.
c) Vườn – Ao – Hồ
Mô hình này được người Đoàn viên thanh niên tại thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh đã cải tiến mô hình trang trại hiệu quả VAC thành mô hình trang trại (VAH) Vườn - Ao - Hồ.
Những cây dừa xiêm trĩu quả đã góp phần mang lại lợi nhuận
cho nô hình VAH (nguồn: http://www.reshminursery.com)
Người chủ trang trại mô hình VAH này đã tiến hành mua thêm 1,0ha đất để đào ao nuôi cá lóc, xây hồ nuôi ba ba và trồng cây dừa xiêm trên bờ ao. Mô hình kinh tế trang trại này đã mang lại cho chủ trang trại này doanh thu hơn 1,2 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 240 triệu đồng/năm.
d) Mô hình kinh tế trang trại trên cát
Cũng được phát triển từ mô hình trang trại thành công VAC, nhưng điểm khác biệt ở đây là địa điểm nuôi trồng hoàn toàn trên cát. Mô hình kinh tế hiệu quả này được những người nông dân tỉnh Quảng Bình xây dựng và phát triển.
Nông trại nuôi tôm trên cát của người dân Quảng Bình. (Nguồn: http://talkvietnam.com)
Trong những mô hình trang trại chăn nuôi trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao, thì mô hình của một chủ trang trại tại vùng cát Hải Ninh được xem là điển hình. Siêu trang trại nuôi tôm, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá. Mỗi năm, siêu trang trại loại này đạt doanh thu 35-37 tỉ đồng, tạo thu nhập cho người địa phương với mức thu nhập ổn định từ 1,5-3,5 triệu đồng/tháng.
3. Mô hình trang trại khép kín
Bên cạnh những mô hình tổng hợp trên, còn có một mô hình kinh tế hiệu quả khác là mô hình trang trại khép kín “trồng cỏ, nuôi bò và nuôi giun trùn quế”.
Giun trùn quế vừa làm thức ăn cho bò vừa làm phân bón
rất hiệu quả (Nguồn: http://trunquecuchi.com)
Trùn quế có thể giúp tăng sức đề kháng, kích thích ăn nhiều, mau lớn cũng như nâng cao khả năng sinh sản và năng suất sữa ở bò nên rất nhiều mô hình trang trại thành công với quy trình chăn nuôi mới này.
4. Mô hình trang trại kết hợp với sinh thái
Đây là một mô hình kinh tế trang trại hiệu quả mới du nhập vào Việt Nam gần đây. Mô hình trang trại này được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa nuôi trồng và dịch vụ du lịch sinh thái.
Những nụ cười thích thú của “nông dân ngoại quốc”
(Nguồn: http://beer.com.vn)
Ở các quốc gia khác, nhưng mô hình kinh tế hiệu quả như vậy là rất nhiều, chẳng hạn như nông trại Chockchai kết hợp chăn nuôi bò sữa và dịch vụ du lịch, hay mô hình Ark Farm của Nhật Bản. Ở Việt Nam chúng ta hiện cũng có một số mô hình trang trại thành công kiểu này mà tiêu biểu là khu du lịch sinh thái Suối Hoa, Đà Nẵng, khu Reort Sông Hồng, thành phố Vĩnh Yên đã hình thành mô hình kết hợp du lịch với trồng tre điền trúc, cây cảnh và rừng keo lá tràm.
Đất nước Việt Nam chúng ta là nước có hơn 70% dân số làm nông nghiệp với rất nhiều những triệu phú, tỉ phú từ nông dân. Sự thành công của họ đến từ mồ hôi, nước mắt, đến từ sự lao động cần cù không mệt mỏi, cùng với sự áp dụng khoa học và công nghệ vào những mô hình kinh tế trang trại một cách sáng tạo. Những mô hình trang trại mang tính thực tế khoa học, hiệu quả không chỉ mang lại lợi nhuận cho gia đình họ mà còn góp phần cho định hướng phát triển nền kinh tế nông nghiệp trang trại của Việt Nam cũng như làm cho quê hương, đất nước của chúng ta thêm giàu và đẹp.
Phạm Thị Hiền - Liên hiệp hội Hà Giang biên tập từ nguồn vusta.vn.