Tuyên truyền về kết quả đại hội mặt trận TQ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019

 Phần thứ nhất:

KẾT QUẢ ĐẠI HỘI MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2014 – 2019 

Trong các ngày 25, 26 và 27/9/2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 đã diễn ra trang nghiêm, trọng thể với chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

     Tham dự Đại hội có 1.008 đại biểu chính thức đại diện cho các tổ chức thành viên, các giai cấp, tầng lớp, 54 dân tộc anh em, các tôn giáo, lực lượng vũ trang nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ Mặt trận chuyên trách các cấp.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trực tiếp dự và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; các vị chức sắc tôn giáo; các vị lão thành cách mạng, đại diện Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; đại diện lãnh đạo các cơ quan ngoại giao của các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam và hơn 200 phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế theo dõi và đưa tin, phản ánh các hoạt động của Đại hội.

Đoàn đại biểu tỉnh ta tham dự Đại hội có 14 đại biểu:

+ Các đ/c UV UBMTTQ khoá VII: có 05 vị;

+ Đại biểu do Đại hội MTTQ tỉnh hiệp thương: 06 vị; ( có đ/c Vương Mí Vàng: Phó Bí thư TT tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh);

+ Đại biểu do TW chỉ định: 03 vị, ( MTTQ TW chỉ định 01; Hội Khuyến học Việt Nam 01; TW Đoàn TNCS HCM 01).

 

Kết quả hoạt động của Đại hội:

1. Trước phiên khai mạc, các vị trong Đoàn chủ tịch khóa VII, đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên và Trưởng các đoàn đại biểu đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại Đài tưởng niệm liệt sỹ (đường Bắc Sơn, Hà Nội) và dâng hoa, làm lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lăng của Người.

2. Sau Diễn văn khai mạc Đại hội, Đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội thay mặt nhân dân cả nước đến chào mừng Đại hội.

3. Báo cáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VII trình Đại hội và các tham luận tại Đại hội khẳng định: Thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước gần 30 năm qua là kết quả của quá trình tìm tòi, sáng tạo, bằng cả tinh thần và lực lượng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Thắng lợi của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và thực tiễn của cách mạng Việt Nam càng chứng tỏ: Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận trong xã hội.

* Thông qua Báo cáo Chính trị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII, Đại hội thống nhất với đánh giá kết quả công tác Mặt trận nhiệm kỳ 2009 - 2014 và những bài học kinh nghiệm:

Một là, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thành công của Mặt trận;

Hai là, mọi hoạt động của Mặt trận phải xuất phát từ nguyện vọng và lợi ích chính đánh của nhân dân;

Ba là, vai trò của Mặt trận được phát huy hay không là nhờ vào sức mạnh tổng hợp của các tổ chức thành viên và mọi tầng lớp nhân dân;

Bốn là, MTTQ Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền các cấp để tạo ra cơ chế, chính sách và đảm bảo nguồn lực cho hoạt động của Mặt trận;

Năm là, không ngừng nâng cao trình độ và năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ Mặt trận.

* Mục tiêu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nhiệm kỳ 2014 - 2019) là: Tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, vì nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

* Đại hội thống nhất Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VIII, (nhiệm kỳ 2014 - 2019) gồm 5 chương trình:

Chương trình 1: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc;

Chương trình 2: Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước;

Chương trình 3: Phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh;

Chương trình 4: Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế;

Chương trình 5: Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

4. Đại hội thông qua báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhiệm kỳ 2009 - 2014.

5. Thông qua toàn văn Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung.

6. Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, 5 năm qua, đóng góp quan trọng nhất của Mặt trận là đã ra sức hoạt động, góp phần mở rộng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên sức mạnh to lớn cho sự phát triển của đất nước. Mặt trận đã đoàn kết, tập hợp lực lượng và xây dựng khối đoàn kết toàn dân không chỉ bằng công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức, mà còn thông qua nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, nhiều cuộc vận động thiết thực, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, hướng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân.

Mặt trận đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ trực tiếp trong các công việc ở địa phương, đồng thời góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bao gồm cả việc tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giám sát, phê bình cấp uỷ, cán bộ, đảng viên.

Mặt trận Tổ quốc cũng đã chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác vận động nhân dân và là mối liên kết hiệu quả trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực sự trở thành mái nhà chung để mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc, tôn giáo, mọi lứa tuổi và kiều bào ta ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, ý chí, trí tuệ và khả năng của mình để xây dựng, bảo vệ đất nước, chăm lo cho cuộc sống của người dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với bạn bè quốc tế.

Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục xứng đáng là người đại diện của nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị ở nước ta; đã vinh dự được Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Sao vàng (lần 2) đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận (1930 - 2010).

Tổng Bí thư đã chỉ đạo, định hướng 4 nội dung quan trọng đối với MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2014 – 2019, là:

Một là, tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở mục tiêu chung của mỗi người Việt Nam là giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia giữ vững ổn định chính trị xã hội xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng tới mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh;

Hai là, vận động tổ chức thực hiện sâu rộng và có kết quả nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong việc vận động tổ chức thực hiện sâu rộng và có hiệu quả nhiệm vụ này. Tiếp tục làm tốt các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", "Xây dựng nông thôn mới" và các phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng xã hội học tập, nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, làm cho lối sống có văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng người dân, nhất là thanh thiếu niên, và được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc.

Ba là, tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế chính sách, làm người phản biện sắc sảo chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo chỉ đạo tốt hơn.

Bốn là, MTTQ cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật thiết thực, hiệu quả, tránh hành chính hoá. Các phong trào cần chú ý đáp ứng đúng những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân, giải quyết những vấn đề sát sườn của dân; đoàn kết, tập hợp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng, giám sát, bảo vệ Đảng và Nhà nước; tham gia quản lý xã hội, góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

 

Đại hội hiệp thương cử ra Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, gồm 383 người (tăng 30 người, gần 9% so với khóa VII). Trong đó:

+ Các tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam ở Trung ương đã cử 45 người tham gia, chiếm 11,7%;

+ Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh thành phố là 63 người, chiếm 16,4%;

+ Cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, các thành phần kinh tế và người Việt Nam ở nước ngoài là 262 người, chiếm 67,7%;

+ Cán bộ chuyên trách cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là 14 người.

 

Tại Hội nghị lần thứ nhất Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá VIII đã Hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII gồm 62 vị. Trong đó:

+ Các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam ở Trung ương là 22 người, chiếm 35,4% ( tăng 4 người so với khóa VII);

+ Các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, các thành phần kinh tế và người Việt Nam ở nước ngoài 27 người, chiếm tỷ lệ 43,5% (tăng 3 người so với khóa VII);

+ Cán bộ chuyên trách cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam địa phương là 13 người (giảm 3 người so với khóa VII).

 

Hội nghị cũng Hiệp thương cử Chủ tịch, các Phó chủ tịch chuyên trách và không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, gồm 12 người:

+ Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII;

+ Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII;

+ Các ông, bà: Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Văn Pha, Bùi Thị Thanh, Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII.

* Các Phó Chủ tịch không chuyên trách:

+ Ông Đào Văn Bình, Ủy  viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII;

+ Linh mục Nguyễn Công Danh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII;

+ Bà Võ Thị Dung, Ủy  viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII;

+ Ông Phạm Xuân Hằng, nguyên Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII;

+ Hòa thường Thích Thiện Nhơn, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII;

+ Ông Tráng A Pao, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội khóa XI, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII.

 

Tỉnh Hà Giang có 05 uỷ viên TW MTTQ Việt Nam khoá VIII, gồm:

1.                                   Ông Bàn Đức Vinh: Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang.

2.                                   Bà Vần Thị Na, sinh năm 1988; Dân tộc Cờ Lao; ở Mậu Duệ, Yên Minh;

3.                                   Bà Phù Thị Thiên; Sinh năm 1985; Dân tộc Pà Thẻn; ở Tân Bắc; Q Bình;

4.                                   Bà Lý Thị Chuấn; Sinh năm 1979; Dân tộc Pu Péo; ở Yên Phú; Bắc Mê;

5.                                   Ông Long Chính Phát; Sinh năm 1990; Dân tộc La Chí; ở Cốc Pài; Xín Mần

 

 

Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019. ( Chính là 5 Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VIII, nhiệm kỳ 2014 – 2019).

 

Đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức thành viên, các cơ quan thông tin đại chúng và báo chí tiếp tục tuyên truyền sâu rộng kết quả Đại hội tới đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài để chào mừng thành công của Đại hội, và quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019.

 

Phần thứ hai

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA MTTQ CÁC CẤP THỜI GIAN TỚI,

VÀ VIỆC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN THI ĐUA

LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP.

Từ nay đến hết năm 2014, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng bộ là tập trung nước rút thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2014, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 – 2015; Và việc tập trung chuẩn bị tốt cho Đại hội cấp chi bộ, và Đại hội cấp cơ sở.

Nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ các cấp là tập trung tổ chức Học tập và quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VIII – MTTQ Việt Nam đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận xã hội cao về việc tổ chức thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VIII, nhiệm kỳ 2014 – 2019; nhiệm vụ cụ thể là:

1. MTTQ các cấp tập trung triển khai việc xây dựng Kế hoạch và Chương trình hành động toàn khoá, Quy chế hoạt động của Uỷ ban MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2014 – 2019; Về học tập Điều lệ của MTTQ ( khoá VIII) mới được thông qua, và việc tăng cường tập huấn cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã về triển khai Nghị quyết và Chương trình hành động Đại hội MTTQ các cấp.

2. Tiếp tục triển khai và tổ chức tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động,  nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, cũng như các cuộc vận động: Tháng cao điểm vì người nghèo; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Và đặc biệt là tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2014 nhân dịp Kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất ( 18/11).

Hướng mạnh các hoạt động về cơ sở để tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của Nhân dân ở ngay mỗi địa bàn, cơ sở, mà trọng tâm là thực hiện tốt việc chung sức xây dựng nông thôn mới và xoá đói giảm nghèo bền vững, là 02 trong số các Chương trình mục tiêu quốc gia cần được tập trung ưu tiên.

3. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong đảng viên, cán bộ công chức, viên chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, là đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn Đảng, toàn dân để nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận cao, đi liền với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, và việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết TW4 ( khoá XI) “ Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay”; triển khai thực hiện có hiệu quả 8 lời căn dặn của Bác Hồ đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang…

Với vị trí, vai trò của công tác Mặt trận ở cơ sở: xác định phường, xã và khu dân cư là địa bàn quan trọng nhất của Mặt trận Tổ quốc, cho nên cần tập trung hướng mạnh mọi hoạt động về cơ sở để giúp đỡ, chỉ đạo Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện hoàn thành vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức tốt các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả cũng như tổ chức tốt việc giám sát và phản biện xã hội, mà nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết là tham gia có hiệu quả việc phản biện xã hội theo tinh thần chủ động góp ý kiến với Đảng về công tác chuẩn bị trước thềm Đại hội của Chi bộ, Đảng uỷ...

Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các nội dung văn bản dự thảo của các chi bộ; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định các mục tiêu, nhiệm vụ nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở ngay tại mỗi địa bàn, cơ sở; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đưa Nghị quyết trở thành hiện thực cuộc sống.

Với tinh thần chủ động và là người phản biện sắc sảo chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo chỉ đạo tốt hơn.

Đồng thời MTTQ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật thiết thực, hiệu quả, tránh hành chính hoá. Các phong trào cần chú ý đáp ứng đúng những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân, giải quyết những vấn đề sát sườn của dân; đoàn kết, tập hợp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng, giám sát, bảo vệ Đảng và Nhà nước; tham gia quản lý xã hội, góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

4. Một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục được quan tâm:

- Để làm tốt việc giám sát, phản biện xã hội, cán bộ Mặt trận, nhất là cấp cơ sở phải có trình độ, có hiểu biết sâu, có kinh nghiệm, và có tâm huyết: Cán bộ Mặt trận phải nắm chắc luật; Phải gần dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của dân; Phải dám nói, ủng hộ cái đúng, phản đối cái sai và đưa ra ý kiến xác đáng.

Phải thừa nhận một thực tế, việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận thời gian qua còn hạn chế. Mặt trận và các  tổ chức thành viên vẫn chưa phát huy hết trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các vấn đề mà người dân quan tâm, khiến lòng tin của nhân dân vào Mặt trận có lúc, có nơi còn thấp.

- Chưa hình thành cơ chế nhân dân giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì vậy động lực đổi mới bên trong hệ thống Mặt trận chưa mạnh.

- Nhiều cán bộ, đảng viên và không ít cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và còn xem nhẹ công tác của Mặt trận Tổ quốc . 

Yêu cầu đặt ra là: Mặt trận phải huy động được sức mạnh của toàn dân, phải tổ chức và phát huy sức mạnh của Nhân dân để dân giám sát và phản biện; Hay nói cách khác: Giám sát, phản biện của Mặt trận là giám sát, phản biện của Nhân dân. Dân hưởng ứng nhiều thì ta thành công nhiều, dân hưởng ứng hoàn toàn thì ta thắng lợi hoàn toàn, còn dân hưởng ứng ít thì sẽ khó khăn,...

Phản biện chính là việc tổ chức để nhân dân được thảo luận và tham gia quyết định những việc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, những việc dân thảo luận, đóng góp ý kiến vào các chủ trương, kế hoạch, nghị quyết, quyết định trước khi ban hành. Giám sát là quá trình tổ chức thực hiện các công việc cụ thể ở địa phương, cơ sở để bảo đảm việc thực thi đó là dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật.

Với phương châm: lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân, lấy lợi ích chung của cộng đồng dân cư làm điểm tương đồng, lấy sự tiến bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu dân cư làm mục đích, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên cần tập trung bám sát địa bàn dân cư và hộ gia đình để triển khai các phong trào, các cuộc vận động, góp phần cổ cũ, động viên nhân dân chủ động phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội,... vì mục tiêu dân giàu, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./. 

 

                                                                          Phạm Thị Hiền  -  Liên hiệp hôi

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Phổ biến kiến thức ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá tại huyện Quản Bạ
icon Hơn 300 người dân huyện Mèo Vạc được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò vàng
icon Tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển cây ăn quả ôn đới, tạo sinh kế cho người dân tại xã Lùng Tám, Cán Tỷ, huyện Quản Bạ
icon Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
icon Tác hại của Amiăng trắng và khuyến cáo sớm ngừng việc sử dụng Amiăng trắng trong chất liệu tấm lợp
icon Cây sưa, giá trị của gỗ sưa đỏ và kỹ thuật trồng cây gỗ sưa
icon Hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức- Cần đẩy mạnh hơn nữa.
icon Cần phải có giải pháp chủ động ứng phó với đợt diễn biến thời tiết nắng nóng đỉnh điểm diễn ra trong mùa hè năm nay
icon Tác dụng của cây đinh lăng và cách trồng cây đinh lăng trong chậu cảnh
icon Hội thảo khoa học "Giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù phát triển KT-XH xã đặc biệt khó khăn huyện Yên Minh"
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website