Theo các nhà khoa học tác dụng của tinh dầu hạt gấc có tác dụng chẳng kém gì các loại mật gấu, nên các lương y thường gọi đây là “mật gấu treo”.
Gấc là loại cây leo, phát triển tốt ở những vùng khí hậu nóng. Khi quả gấc có màu đỏ (tức là quả đã chín) thì hái về treo gác bếp để dành, quả gấc sẽ teo nhỏ, để cả năm vẫn không bị hỏng.
Quả gấc có tên khoa học là momordica cochinchinensis, được mọi người hay dùng để nấu xôi, một món ăn truyền thống. Xôi gấc có màu đỏ tươi, thơm, ngọt dịu, dẻo, béo ngon và trông rất đẹp mắt. Mọi người thường dùng trong những dịp đặc biệt như cúng tổ tiên, hay lễ tết, hội hè. Tuy nhiên, khi ăn xôi, người ta thường bỏ hai vị thuốc quý đó là màng bọc hạt gấc và nhân hạt gấc.
Màng bọc hạt gấc có chứa một vị thuốc quý là carotene (là tiền sinh tố A), có tác dụng điều trị quáng gà, làm sáng mắt, giúp trẻ con mau lớn, người già thêm cứng cáp, giúp các vết thương mau liền sẹo. Viên dầu gấc đang có bán trên thị trường được chiết xuất từ màng bọc hạt gấc. Còn nhân hạt gấc là một vị thuốc rất quý có tác dụng làm tan các vết bầm do chấn thương, làm mau lành những nơi bị nhiễm khuẩn, cầm máu và làm vết thương mau lành.
Màng bọc hạt gấc và nhân hạt gấc là một vị thuốc rất quý
Tác dụng của quả và hạt gấc
Theo báo sức khỏe và đời sống cho biết quả gấc và hạt gấc có nhiều tác dụng, nó là vị thuốc quý chẳng kém gì các loại mật gấu.
1. Gấc bổ sung Vitamin cho cơ thể
Trong dầu gấc có chứa khá nhiều hàm lượng Beta carotene. Là tiền sinh tố của Vitamin A. Chất này khi vào cơ thể sẽ chuyển thành Vitamin A, loại Vitamin tuyệt vời đối với mắt. Nếu trẻ em hay thức khuya ôn bài, hoặc làm việc lâu trước máy vi tính, mỏi mắt, nhức mắt thì nên bổ sung dầu gấc thường xuyên để có một thị lực tốt hơn.
Cách sơ chế: Chúng ta có thể tự điều chế dầu gấc dự trữ dùng dần tại gia đình như sau: Bổ đôi quả gấc chín già và moi lấy ruột, phơi hoặc sấy khô rồi bóc tách lấy lớp màng đỏ bao quanh hạt và phơi khô giòn, thái nhỏ và cho vào nồi hoặc chảo, cho dầu ăn ngập và rán nhỏ lửa khoảng trên 100 độ C. Khi dầu đã chảy ra hết, tóp giòn, vớt bỏ tóp, rồi để nguội lọc qua phễu trên đã để sẵn miếng vải màn để loại cặn rồi cho vào chai có màu đã rửa sạch, sấy khô có nút đậy thật kín. Để ở chỗ tối, dùng trong một năm. Trong quá trình sử dụng không nên dùng mỡ gấc, dầu gấc để rán, vì nhiệt độ cao sẽ phá hủy Caroten. Nên trộn vào thức ăn đã nấu chín hoặc uống thay dầu cá, mỗi ngày khoảng 10g (2 muỗng cà phê) tương đương 700 microgram Vitamin A cho trẻ suy dinh dưỡng, làm tăng sức miễn dịch và đề kháng của cơ thể. Nếu là dầu gấc nguyên chất ép từ màng gấc đã phơi, sấy khô thì liều cho trẻ em hàng ngày chỉ cần 8 giọt (khoảng 2 viên nang). Nên chọn loại gấc nếp vì chất lượng cao gấp nhiều lần gấc khác.
2. Hạt gấc là loại thuốc dân gian
Hạt gấc, thứ hạt đen xù xì, xấu xí mà trẻ em vẫn thường bỏ đi sau mỗi khi chế biến thức ăn, đó cũng là loại thuốc dân gian vẫn thường dùng. Nhân hạt gấc chứa chất dầu màu vàng, các chất dinh dưỡng như chất béo, đạm, chất xơ, Phosphtase thường dùng để trị mụn nhọt, quai bị, sưng tấy, lở loét, tắc tia sữa vv.
Hạt đen của quả gấc có thể nướng vàng rồi ngâm vào rượu để xoa bóp chữa bệnh thấp khớp, sưng đau các khớp, chấn thương tụ máu có tác dụng không thua kém gì mật gấu.
3. Phòng chống ung thư
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, chất Lycopen trong cà chua có khả năng phòng chống ung thư, hạn chế sự phát triển các tế bào ung thư. Nhưng theo nghiên cứu của Đại học Califonia thì hàm lượng Lycopen trong hạt gấc còn cao gấp 70 lần. Không chỉ vậy, gấc còn chứa nhiều các chất khác như Vitamin E, carotene làm vô hiệu hóa 75% các chất gây ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt. Do đó, người Mỹ gọi gấc là loại quả đến từ thiên đường.
Mặc dù vậy, y học khuyến cáo mỗi ngày người lớn chỉ nên sử dụng 20-25 giọt dầu gấc và 5-10 giọt đối với trẻ em.
4. Tác dụng tốt với tim mạch
Dầu gấc có tác dụng làm giảm cholesterol, làm bền thành mạch, chống xơ vữa động mạch, từ đó chống tai biến, mang lại cho con người hệ tuần hoàn khỏe mạnh, tốt cho tim, người bị mắc bệnh tiểu đường, chống các bệnh tim mạch, góp phần chống tai biến, tăng cường tuổi thọ.
5. Nhuận tràng tốt cho tiêu hóa
Các món ăn chế biến từ gấc không chỉ ngon, đầy màu sắc mà còn nhuận tràng chống táo bón tốt cho hệ tiêu hóa. Với tiết trời se lạnh sẽ không gì tuyệt hơn một bát bò xốt vang, hoặc một bát xôi gấc béo ngậy thơm ngon và bổ.
6. Nâng cao sức đề kháng cho cơ thể
Tinh chất Curcumin trong dầu gấc có khả năng loại bỏ các gốc tự do gây ung thư có trong thức ăn, nước uống hàng ngày. Đồng thời nâng cao sức đề kháng, thể lực. Bên cạnh tinh chất Curcumin được coi là quý giá còn có Beta Caroten chứa trong màng của quả gấc cũng có tác dụng chống ôxy hóa mạnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp cơ thể nâng cao hệ thống miễn dịch.
7. Những tác dụng khác của gấc
Ngoài ra, dầu gấc còn có tác dụng làm giảm lượng Cholesterol, làm bền thành mạch, chống xơ vữa động mạch, từ đó chống tai biến. Dầu gấc có chứa lycopen thực vật nên có tác dụng chống lão hóa, phòng chữa sạm da, trứng cá, khô da, rụng tóc. Các món ăn có gấc làm vị “gia giảm” không chỉ ngon, đầy màu sắc mà còn nhuận tràng chống táo bón tốt cho hệ tiêu hóa. Curcumin trong dầu gấc có khả năng loại bỏ các gốc tự do gây ung thư có trong thức ăn, nước uống hàng ngày. Beta carotene có chứa trong màng của quả gấc cũng có tác dụng chống ô xy hóa mạnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây gấc
1. Giai đoạn: Chuẩn bị đất
Chuẩn bị đất trồng: Cây gấc không kén đất, nhưng khuyến cáo chọn đất tốt để trồng. Đất trồng gấc không bị úng và có khả năng thoát nước tốt khi mưa lớn.
Đào hố: Hố trồng gấc có chiều dài từ 1-1,2 m, rộng từ 1-1,2 m và độ sâu từ 40-60 cm. Khoảng cách giữa các hố: hố × hố: 3 - 4 m. Hàng × hàng: 4 - 5 m. Để riêng lớp đất mặt bên cạnh hố đào. Không đào hố trồng gấc ngay cạnh gốc cây trồng khác đang sống, nên đào với khoảng cách 1,5m-2m so với gốc cây trồng khác nếu trồng xen canh hoặc trồng trên đất vườn tạp.
Xử lý hố trồng và tiến hành bón lót: Trộn phần lớp đất vừa đào từ hố lên với các loại phân bón: Phân vi sinh Gavi Bio: 0,5 kg/hố, phân hữu cơ vi sinh GV: 2 kg/hố, phân chuồng hoai: 10-15 kg/hố, Super lân 0,5-0,6 kg/hố. Chế phẩm sinh học có chứa Trichoderma 0,5-1 kg/hố. Bón phân thực hiện trước khi trồng 5-7 ngày.
Thiết kế giàn: Giàn gấc có thể dựng bằng các cây tạp, tre nứa hoặc cột bê tông. Bên trên gác các cành tre hoặc đan bằng dây thép hoặc dùng dây cước một sợi (đường kính dây khoảng 2 mm) đan thành lưới (kích thước mắt lưới: 40 cm x 40 cm), sau đó căng lên giàn. Giàn bằng lưới cước chi phí thấp và có thể giữ được từ 3-5 năm. Cách làm này đang được triển khai rộng rãi ở các tỉnh hiện nay cho hiệu quả kinh tế cao. Chiều cao của mặt giàn so với mặt đất bình quân là 2 m, phải đảm bảo giàn không bi chùng khi cây bò lên hoặc khi gấc ra trái. Giàn gấc phải được thi công hoàn tất sau 3 tuần kể từ ngày trồng cây con.
Thiết kế giàn gấc trước khi gấc mọc và leo
2. Giai đoạn: Tiến hành trồng cây
Chuẩn bị hố ngay trước khi trồng. Dọn vệ sinh xung quanh hố (cỏ dại, cây cối). Xới nhẹ lại đất trong hố trồng. Cuốc 2 lỗ nhỏ ngay giữa hố để đặt cây gấc giống, khoảng cách giữa 2 lỗ trong cùng 1 hố tối thiểu là 35 cm. Khi đã xử lý hố đất trồng 5-7 ngày thì tiến hành trồng cây con.
Lưu ý: Nếu trồng cây giống thực sinh thì nên trồng 2 cây gấc trong 1 hố, vì chúng ta theo dõi sau năm đầu tiên thu trái, cây nào trái ít, hoặc không ra trái, trái nhỏ hoặc bị sâu bệnh nặng thì ta tiến hành cắt bỏ cây đó đi để cây gấc còn lại phát triển tốt hơn và đảm bảo nguồn thu hoạch gấc, đối với cây ghép hoặc cây hom thì trồng 1 hố từ 1 đến 2 cây. Thông thường, năm đầu tỷ lệ đậu trái thấp , lượng trái chưa nhiều. Cho nên, để tăng sản lượng và khả năng thụ phấn tự nhiên chúng ta nên trồng 2 cây.
3. Giai đoạn: Tưới nước và chăm sóc
Tưới nước: Cây gấc cần đất đủ ẩm nhưng rất sợ úng do đó phải tưới đủ nước và thoát nước ở gốc cây cho tốt. Ở giai đoạn này, cây cần độ ẩm của đất từ 80-85%. Khi thời tiết nắng nóng thì phải tiến hành tưới nước, phủ rơm rạ, bao ni long để giữ ẩm cho cây.
Đào kênh tiêu nước: Cây gấc bị ngập nước sẽ làm cho cây úng và tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh tấn công, dẫn tới năng xuất giảm nếu bị úng nhẹ hoặc nếu ngập úng kéo dài có thể làm chết cây. Chính vì vậy, ở những vườn gấc trũng, ngập nước vào trời mưa thì phải tiến hành đào kênh tiêu nước. Mỗi kênh tiêu nước có kích thước rộng 50 cm, sâu 30 cm để thoát nước dễ dàng khi trời mưa lớn. Sau 7 ngày tiến hành phun men sinh học Gavi - TriBio 5% dưới gốc và trên lá, với liều lượng pha loãng 300 lần.
4. Giai đoạn: Chăm sóc sau trồng 15-30 ngày
Bắt ngọn leo lên giàn và thường xuyên bắt các ngọn phân tán đều trên giàn. Kiểm tra sâu, bệnh hại trên cây, nếu thấy có xuất hiện thì phải thực hiện phòng trừ. Trong quá trình theo dõi, nếu thấy dây gấc nào vươn dài, nhỏ, yếu, bị sâu ăn lá thì tiến hành cắt bỏ để nhường dinh dưỡng nuôi dây khác. Khi cây con bắt đầu leo lên giàn khoảng tuần thứ 5 đến tuần thứ 7 kể từ ngày trồng, tiến hành bón lót Phân NPK: 16-16-8, lượng 0,3-0,5 kg/hố. Trong giai đoạn này cần tiến hành phun thêm Gavi - TriBio 5% pha loãng 300 lần để tăng cường sức để kháng cho cây, hạn chế sâu bệnh hại. Sau 2 tháng kể từ ngày trồng cần bón thêm chế phẩm Gavi - Bio 0,5 kg/hố để phòng trừ bệnh hại, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cho cây.
5. Giai đoạn: Bón thúc khi gấc đã phủ lên giàn
Cách bón: đào rãnh rộng 10 cm và sâu 10 cm hoặc cào nhẹ lớp đất mặt trên hố gấc sâu 5-10 cm, rồi tiến hành rãi phân GV hữu cơ vi sinh: 3kg trộn đều với đất dưới rãnh. Sau đó cuốc xới nhẹ lấp phân vào hố và tiến hành tưới nước. Chủ động tưới nước giữ ẩm cho cây khi không có mưa phải đảm bảo độ ẩm từ 70-80%. Theo dõi sâu bệnh và thực hiện phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại, đồng thời kết hợp phun Gavi - TriBio 5% để bảo vệ trái và cây trước sự tấn công của sâu bệnh hại.
6. Giai đoạn: Gấc bắt đầu ra hoa, kết trái sau khi trồng ở tháng thứ 3-4
Tiến hành bón thúc cho cây bằng phân trung vi lượng có gốc Canxi - Bo nhằm kích thích sự phát triển trái, tăng khả năng ra hoa, đậu trái.
Cách phun: Pha 10 ml/16 lít nước phun đều dưới tán lá, nách lá, trái, quanh gốc. Phun làm 2 lần mỗi lần cách nhau khoảng 10 ngày, phun vào buổi sáng sớm hoặc khi chiều mát trời.
Tưới nước: Giai đoạn ra hoa và phát triển trái, cây gấc cần phải cung cấp đủ nước cho cây, giai đoạn này cần giữ độ ẩm cho đất 70-80%.
Xử lý ra hoa và kết trái ở giai đoạn tháng thứ 4, thứ 5. Đối với cây chưa ra trái hoặc không đậu trái tiến hành xử lý như sau:
Cách 1: Cắt tỉa những dây gấc nhỏ, yếu, kém phát triển. Đối với những dây gấc phát triển tốt, khỏe cần tiến hành bấm đọt, vị trí bấm đọt cách gốc 7m; đồng thời bón thúc bổ sung dinh dưỡng cho cây nhằm giúp cây tăng tỷ lệ ra hoa và đậu trái. Bón gốc phân hữu cơ vi sinh: 1-1,5 kg/hố, phân NPK (20-20-15) 0,3-0,5 kg/hố, phân chuồng hoai: 5-10 kg/hố. Trộn toàn bộ số phân trên với lớp đất mặt của gốc gấc sau đó lấp lại và tưới nước cho ẩm.
Lưu ý: Để giúp cây hấp thụ tốt dinh dưỡng ở giai đoạn này cần phải tưới nước thường xuyên để tạo độ ẩm. Bón lá: Kết hợp với phân bón lá trung vi lượng có gốc KNO3 hàm lượng 30-50 g/8 lít nước. Cách phun: Phun toàn thân cây từ cành, lá. thân, nách lá, gốc phun lúc mát trời nhắc lại 7-10 ngày; công việc này thực hiện trước mùa mưa ít nhất 20-30 ngày.
Chăm sóc khi cây đã ra hoa: Sau khi đã xử lý như trên khoảng 20-30 ngày sau tiến hành giữ độ ẩm trong đất đạt 70-80% bằng cách thường xuyên tưới nước nếu trời không mưa.
Cách 2: Đầu tiên cắt những gốc không ra trái, với vị trí cắt cách gốc 60 cm. Sau 1 tuần các nhánh mới ở những cây không ra trái sẽ bắt đầu đâm ra. Sau đó tiến hành chọn những nhánh ở cây mang trái để ghép vào các nhánh của cây không trái. Lưu ý: chọn các nhánh ghép không được non, cũng không già quá. Để đảm bảo tỉ lệ cây sống cao nên trùm bao ni lông vào nhánh mới ghép để tránh mất nước, hạn chế sự tấn công của sâu bệnh. Sau khi đã đậu trái, phun phân bón lá NPK (20-20-15) để trái phát triển. Trong giai đoạn trái đang phát triển mạnh, cần kết hợp phun thêm kali 100% để trái chắc, tránh nứt trái, chất lượng cao. Trong quá trình cây mang trái nên tiến hành tỉa bỏ những nhánh vô hiệu (nhánh không mang trái), khống chế chiều dài của dây gấc khoảng tối đa 5-6 m nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi trái, tránh tình trạng cây tập trung phát triễn thân lá hoặc trái nhiều cây không nuôi nổi trái.
Cách phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây gấc
1. Sâu hại
+ Bọ dừa: Bọ cánh cứng dài 8mm cánh màu vàng ăn phá hoại lá gấc. Phòng trừ bằng cách xịt các loại thuốc như Tata 25WG xịt đều trên lá.
+ Rầy mềm: Bu mặt dưới lá hút nhựa, xịt Decis 50ND hoặc Vicidi-M 50ND 20-30 ml/bình 8 lít.
+ Nhện đỏ: Tập trung nhiều ở mặt dưới lá thường thấy trong mùa nắng làm úa lá vàng, xoắn lá, dây gấc mọc cằn cỗi phòng trừ bằng cách phun Alfamite 15EC hoặc SK Enpray 99EC xịt đều trên lá.
+ Ruồi trái cây: Phá hại nặng khi gấc có trái. Ruồi chích trái đẻ trứng ấu trùng phát triển phá vỏ trái làm thối trái, trị bằng cách phun xịt dung dịch Oncol 20EC liều lượng 30ml/8lít, vệ sinh lượm đốt bỏ các trái gấc thối rụng.
+ Sâu xanh: Sâu xanh ăn hại lá gấc: giai đoạn non chúng thường cuốn lá để làm tổ, sau đó chúng tiến hành ăn khuyết lá, làm cho lá gấc. dùng thuốc Padan 95SP liều lượng 10 - 15 g/10 lít vào chiều mát.
2. Bệnh hại thường gặp
+ Đốm lá: Do nấm Pseudope-ronopora cubensis Rostow gây bệnh lá gấc bị bệnh mặt trên có nhiều chấm vàng, mặt dưới có các chất xám sau đó lá chết héo. Dây gấc bị bệnh phát triển kém không cho trái hoặc cho ít trái, trái nhỏ phẩm chất kém, phòng trị bằng cch xịt dung dịch Viben C hoặc Viroral 50BTN lên lá.
+ Bệnh cháy lá: Do nấm Collectrichum lagenarium Ell and Halst gây bệnh. Lá gấc bị bệnh cháy thành đốm hoặc cháy khô cả lá phòng trị giống như bệnh đốm lá.
+ Bệnh hoa lá: Do virus (CMV) gây bệnh lá gấc bị bệnh thường bị đốm vàng xoắn lá dây mọc còi cọc không cho trái, bệnh do cực vi trùng gây ra không có thuốc trị, phòng trừ bằng cách nhổ bỏ phun thuốc trị bọ dừa và rầy mềm truyền bệnh cũng giảm bớt bệnh.
+ Tuyến trùng: Tuyến trùng Meloidogyne spp làm rễ, dây gốc bị tuyến trùng phá hoại trông còi cọc phát triển kém, vàng cho trái hoặc không cho trái. Phòng trừ bằng cách rải một hố 30gram Vifuran 10H hoặc 20gram Vimoca 10G khi gieo hạt hoặc trồng cây con.
Thu hoạch gấc
Thu hoạch khi trái đã chín (½ quả chuyển sang đỏ), màng bọc ngoài hạt dày và có nhiều chất béo. Quả không dập nát, thối hỏng, không chín ép. Trọng lượng quả từ 0,8 kg trở lên mới đạt yêu cầu.
Tiêu chuẩn gấc thương phẩm: Quả gấc phải chín đều về sinh lý, không dập nát, thối hỏng, không chín ép, không giấm. Trọng lựơng quả từ 0,8 kg trở lên. Màng gấc sấy khô phải đạt độ ẩm 7% - 8%, màng không bị dị tật, mốc, cháy khét, sâu mọt (dùng tay bẻ gãy là được).
Tóm lại, gấc là một thực phẩm, một vị thuốc độc đáo ở Việt Nam. Việc trồng gấc và sử dụng các chế phẩm của nó sẽ góp phần phòng và điều trị bệnh thiếu Vitamin A ở trẻ em, tạo nguồn thực phẩm có chứa các chất chống oxy hóa quý giá, làm cho người già khỏe mạnh, tăng sức để kháng của cơ thể, mắt sáng hơn, da dẻ mịn màng tươi trẻ hơn./.
Cao Hồng Kỳ, Liên hiệp hội Hà Giang biên tập từ báo nông nghiệp Việt Nam