Hà Giang là tỉnh núi cao phía Bắc của Tổ quốc, có tổng diện tích tự nhiên 7.914 km2. Diện tích đất lâm nghiệp chiếm 72,48%, đất nông nghiệp, chiếm 14,72% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Hoạt động khai thác khoáng sản được xác định là một trong những tiềm năng, lợi thế, và là một ngành kinh tế mũi nhọn mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, mang lại nguồn thu lớn, góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo cho tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh có 215 mỏ và điểm mỏ, với 28 loại khoáng sản khác nhau (UBND Hà Giang, 2012a). Những năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản đầu tư vào lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh Hà Giang và Bộ TNMT đã cấp giấy phép cho 44 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh với tổng số 54 mỏ và điểm mỏ; trong số đó tại địa bàn huyện Bắc Mê có đến 13 điểm mỏ đã được cấp Giấy phép hoạt động khai thác khoảng sản (chiếm 24% so với toàn tỉnh) (UBND huyện Bắc Mê, 2013). Chỉ riêng tại địa bàn xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê có tới 5 công ty được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, chiếm 38,5% so với cả huyện.
Mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Bắc Mê đạt trên, dưới 200 tỷ đồng, đã đóng góp một phần đáng kể cho nguồn thu ngân sách của huyện (trên 52,15 tỷ đồng một năm, chiếm 50% tổng thu ngân sách của huyện). Hoạt động khoáng sản có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương, như tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương. Tuy nhiên, nó cũng có những tác động tiêu cực đến môi trường và tạo nên những vấn đề đáng lo ngại cho cộng đồng cư dân địa phương sinh sống trong khu vực khai thác và chế biến khoáng sản, như: ảnh hưởng của bụi, tiếng ồn, ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, gây tổn thất đến tài nguyên rừng và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học (đa dạng các nguồn gen động, thực vật quý hiếm, đa dạng các giống, loài sinh vật và đa dạng hệ sinh thái trong tự nhiên), thậm chí có thể làm biến mất một số nguồn gen và giống dược liệu quý hiếm trong vùng.
Minh Sơn là xã vùng cao thuộc huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang nhưng có tài nguyên khoáng sản tương đối giàu có, đặc biệt các loại khoáng sản sắt, chì và kẽm. Xã Minh Sơn cũng nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Du Già – Khau Ca, với rất nhiều loài động thực vật đặc hữu.
Để làm rõ những ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang (Liên hiệp hội) phối hợp cùng tổ chức Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thực hiện một nghiên cứu nhỏ: “Tham vấn địa phương về ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản đến rừng và đa dạng sinh học tại địa bàn xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang” với sự hỗ trợ của Quỹ John D. and Catherine T. MacArthur.
Báo cáo tập trung vào các nội dung sau:
- Các tác động của hoạt động khai thác khoáng sản đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học ở xã Minh Sơn;
- Sự chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp khai thác khoáng sản và cộng đồng địa phương;
- Nhận thức của các bên liên quan về tài nguyên rừng, đa dạng sinh học và khai thác khoáng sản.
Báo cáo nghiên cứu được tiến hành từ tháng 3 đến tháng 5/2015, trên địa bàn 10 thôn thuộc xã Minh Sơn: Lũng Vầy, Khuổi Kẹn, Nà Sáng, Bình Ba, Ngọc Trì, Khuổi Lòa, Bản Vàn, Nà Ngoòng, Pó Pèng và Bản Kẹp B.
Cao Hồng Kỳ, PCT thường trực Liên hiệp hội
Siêu tầm từ nguồn báo điện tử PanNature
Mời quý vị đọc tài liệu tại đây: File PDF