Cây Sen - Biểu tượng của văn hóa kiến trúc tâm linh Việt Nam, một cây cho nhiều vị thuốc Đông y quý

Ca dao đã có câu:          Trong đầm gì đẹp bằng sen.

                                        Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.

                                        Nhị vàng bông trắng lá xanh.

                                        Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Cây Sen tên khoa học là Nelumbo nucifera Gaertn. Tên khác là: Liên ngẫu (Tày), Bó bua (Thái), Lín ngó (Dao).

Họ: Sen súng (Nelumbonaceae).

Cây Sen đã có từ lâu đời ở các nước vùng Đông Nam Á. Trước đây, nước ta cây mọc hoang ở vùng Đồng Tháp Mười và được trồng khắp vùng đồng bằng và trung du để làm thực phẩm, lấy hoa và làm thuốc. Những bộ phận của cây sen như: hoa sen, gương sen, hương sen... từ lâu đã trở thành biểu tượng của văn hóa kiến trúc tâm linh trong các đình chùa, nơi thờ tự và là nguồn cảm hứng của thơ ca nhạc họa đậm nét trong đời sống nhân dân. Mới đây Hoa sen được bỏ phiếu cao nhất trong cuộc bình chọn quốc hoa. Đặc biệt toàn bộ cây sen đều được Đông y chế biến làm thuốc. Các bộ phận của cây sen cho nhiều vị thuốc quí, chữa được nhiều bệnh và chứng bệnh, hiệu quả cao, không có tác dụng phụ độc hại.

Cây Sen - Biểu tượng của văn hóa kiến trúc tâm linh Việt Nam, một cây cho nhiều vị thuốc Đông y quý

Đầm sen

Đặc điểm sinh thái: Cây sen là loại thân thảo, sống dưới nước, có hệ rễ rất phát triển. Thân rễ mập, mọc ngầm dài trong bùn. Có khi sâu tới 0,5 m. Từ những đốt ở những mấu phần đầu của thân rễ, hàng năm mọc lên nhiều lá, hoa. Độ dài của cuống lá tùy thuộc vào độ nước nông sâu, để phiến lá vượt lên khỏi mặt nước làm nhiệm vụ quang hợp. Cây có quả nhiều hằng năm. Hoa rất đẹp, mọc riêng lẻ trên cuống dài, cánh hoa màu hồng, hồng đỏ hoặc màu trắng , tùy theo giống được trồng. Hoa thường nở buổi sáng, thụ phấn vào buổi trưa và đầu buổi chiều, nhờ gió và côn trùng. Trong các cánh hoa có nhiều nhụy hoa mầu vàng, chỉ nhụy mảnh, trên đầu có phần phụ (hạt gạo) rất thơm, hay được dùng để ướp trà. Bộ nhụy hoa có hình nón ngược (gương sen) chứa nhiều quả bế, có núm nhọn. Phần vỏ ngoài của quả có vỏ mỏng cứng, màu đen khi chín khô, nên gọi là liên thạch. Trong lớp vỏ cứng là liên nhục, màu trắng đục, có nhiều chất dinh dưỡng. Ở giữa có lá mầm mầu xanh đậm gọi tâm sen. Mùa hoa vào tháng 5 - 6. Mùa quả vào tháng 7 - 9 hàng năm. Cây lụi lá vào mùa đông, sinh trưởng mạnh vào mùa hè, mùa thu.

 

Các bài thuốc quý từ cây sen

1. Liên nhục (Tên khoa học là Frutus Nelumbinis): Là nhân hạt sen đã bỏ lá mầm (Tâm sen) ở giữa. Phơi hoặc sấy khô.

Tên khác: Thạch liên tử, liên tử.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại: Liên nhục có nhiều tinh bột, đường, chất béo, protid, can xi, phốt pho và sắt.

Công dụng: Làm thuốc bổ, chữa di tinh, mất ngủ, suy nhược thần kinh.

Ngày dùng: 10 - 30 g, dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Theo y học cổ truyền: Liên nhục có vị ngọt tính bình. Có tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, sáp trường, bổ thận, cố tinh. Thường được dùng chữa chứng: Tỳ hư tiết tả (ỉa chảy, tiêu hóa kém). Di mộng tinh, đới hạ. Dân gian dùng làm mứt sen, nấu chè, hầm gà ác... là những món ăn ngon bổ dưỡng.    

Bài thuốc cổ phương, kinh nghiệm, dùng độc vị Liên nhục hoặc phối hợp với các vị thuốc Đông y khác:

- Chữa người tỳ hư, đi lỵ, khí hư mệt mỏi, hồi hộp, mất ngủ, suy nhược cơ thể: Liên nhục: 10 - 20 g. Cách dùng: Tán bột uống.

- Điều trị tiêu hóa kém ở trẻ em, hay đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phân sống, gầy yếu phù thũng, hoàng đản:

Liên nhục: 14g                         Bạch trật: 12 g

Gừng nướng: 3 lát                   Bạch phục linh: 6 g.

Nhân sâm : 4 g                         Đại táo: 4 quả.

Thục địa: 4 g                            Cam thảo (trích): 3 g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang.

2. Tâm sen (Tên khoa học là Emborio Nelumbines): Là lá mầm chồi lấy từ giữa nhân hạt. Màu xanh đậm. Phơi sấy khô.

Tên khác: Liên tâm, Liên tử tâm.

Nghiên cứu dược lý hiện đại: Tâm sen có nhiều Aspagarin và alcaloit.

Công dụng: Ức chế dục tính, nên dùng chữa di tinh, an thai. Giảm co bóp ruột nên làm giảm đau bụng. Chữa tim hồi hộp, mộng tinh, mất ngủ, huyết áp cao.

Uống từ 4 - 10 g, dạng thuốc sắc.

Theo lý luận Đông y: Tâm sen có vị đắng tính hàn. Có tác dụng thanh tâm khử nhiệt. Thường dùng chữa chứng tâm phiền, hồi hộp, thổ huyết, thanh nhiệt, an thần, hạ áp.

Bài thuốc cổ phương dùng độc vị tâm sen hoặc phối hợp với các vị thuốc đông y khác:

- Chữa chứng tim hồi hộp, lo lắng, tăng huyết áp, hôn mê do nhiệt bệnh gây nên: Tâm sen:  2 - 4 g. Sắc uống.

- Chữa chứng suy nhược cơ thể ở người có bệnh đường hô hấp, viêm phế quản mãn tính, lao:

Tâm sen: 10 g                         Ngũ vị tử: 12 g

Đại táo: 4 quả                          Đan bì: 12 g.

Qui bản : 12 g                          Y dĩ: 12 g.

Mạch môn: 12g                        Sinh địa : 12 g

Cát cánh : 10 g                        Bạch thược: 12 g

Trần bì : 10 g                           Đẳng sâm: 12 g

Trích cam thảo: 6 g

Sắc uống ngày 1 thang.

3. Liên thạch: Là hạt sen (Quả sen) còn cả vỏ cứng bên ngoài.

Công dụng: Chữa lỵ và cấm khẩu. Tán bột, uống ngày 20 - 30 g.

Bài thuốc cổ phương dùng độc vị liên thạch hoặc phối hợp với các vị thuốc Đông y khác:      Chữa chứng hồi hộp, đau lưng, mỏi gối, kém ăn, ngủ ít:

Quả sen: 12 g                          Trạch tả: 8 g

Liên nhục: 8 g                          Phụ tử chế: 8 g

Hoài sơn: 18 g                        Táo nhân: 8 g

Thục địa: 12 g                           Ngục quế: 6 g

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang

4. Liên ngẫu (Tên khoa học là Nodum Rhizomatis loti): Là thân rễ, hình trụ, mọc bò trong bùn. Dùng tươi hoặc sấy khô, sắc uống.

Tên khác: Ngẫu tiết, Ngó sen

Nghiên cứu dược lý hiện đại: Trong Liên ngẫu có Apgaragin, Asganin, Tyrocin, Glucoza và vitamin C.

Công dụng: Làm thuốc cầm máu (đi ngoài ra máu, tiểu tiện ra máu, nôn ra máu, rong kinh). Có tác dụng hiệp đồng với thuốc ngủ và lợi tiểu. Dân gian hay dùng sào nấu, làm nộm, là món ăn ngon, mát bổ.

Theo Đông y: Liên ngẫu vị ngọt, tính mát, vào kinh tỳ, thận. Tác dụng: Mát huyết, chỉ huyết. Thường dùng: Chữa sốt cao, chảy máu. Ngày dùng: 6 - 12 g, dạng thuốc sắc hoặc giã tươi vắt nước uống.   

Bài thuốc cổ phương dùng độc vị Liên ngẫu hoặc phối hợp với các vị thuốc Đông y khác.

- Ho ra máu, đại tiểu tiện ra máu: Liên ngẫu: 20 - 40 g, sắc uống.

- Chữa các chứng chảy máu do sốt cao: Liên ngẫu sao đen: 8 g. Tam lăng, nga truật, huyết dụ, bồ hoàng sao đen: Mỗi vị 6 g. Sắc uống ngày 1 thang.

5. Liên phòng (Tên khoa học là Receptaculum Nelumbinis): Là gương sen già, sau khi lấy hết hạt, phơi sấy khô. Còn có tên khác: Liên ngẫu, gương sen.

Nghiên cứu dược lý hiện đại: Liên phòng có Protit, chất béo , carotin, vitamin C. Dùng làm thuốc cầm máu.

Theo Đông y: Vị đắng, chát, tính mát, vào kinh can, tâm bào. Có tác dụng thu liễm, chỉ huyết. Thường dùng chữa: Đại tiểu tiện ra máu, đới hạ. Sắc uống ngày 15 - 30 g.   

Bài thuốc cổ phương dùng độc vị Liên phòng hoặc phối hớp với các vị thuốc Đông y khác:

- Chữa chứng đại tiện ra máu, bạch đới, huyết áp cao: Liên phòng: 15 g ( khoảng 2 cái ). Sắc uống ngày 1 thang.

- Chữa hội chứng đái tháo đường: Liên phòng 500 g, Cỏ may: 1.000 g.

Cách dùng: Sắc, cô lấy 1 lít cao lỏng. Pha thêm 250 ml rượu tốt để bảo quản. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 30 ml.

6. Hà diệp ( TKH: Folium Loti ): Là phiến lá sen phơi khô.

Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy trong lá sen có tanin, alcaloit.

Công dụng: Có tác dụng cầm máu, hay dùng trong chứng đại tiểu tiện ra máu.

Dùng 15 -20 g/ngày, sắc uống.

Theo Đông y: Hà diệp có vị đắng, tính bình vào 3 kinh: Can, tỳ, vị. Có tác dụng thanh tán ứ, thanh thử hành thủy, tân lương giải biểu. Thường dùng để điều trị chứng bệnh: Thử thấp tiết tả, thủy chỉ phù thũng, nôn ra máu, chảy máu cam, băng huyết, đi lỵ ra máu. Theo kinh nghiệm dân gian: Lá sen còn có tác dụng hạ mỡ máu, chữa đau đầu, sơ vữa mạch máu, đái đường, hạ huyết áp cao.    

Bài thuốc cổ phương dùng độc vị Liên ngẫu hoặc phối hợp với các vị thuốc Đông y khác:

- Chữa sản dịch kéo dài: Hà diệp (sao thơm, tán bột). Uống với nước đồng tiện. Mỗi ngày 20 - 30 g.

- Chữa mất ngủ: Hà diệp tán bột, làm thành viên hoàn. Uống mỗi ngày 10 - 20 g.

7. Liên tu (Tên khoa học là Satamen Nelumbenis): Là tua nhị đực của hoa sen, bỏ hạt gạo ở đầu tua. Phơi khô âm can. (Gạo ở đầu tua thường dùng để ướp trà - làm sản phẩm trà sen).

Nghiên cứu dược lý hiện đại: Chủ yếu có tanin. Có nhiều thành phần thơm dễ bay hơi. Có tác dụng ức chế tụ cầu vàng. Công dụng: Cầm máu.

Theo Đông y: Vị đắng mát, tính lương, tác dụng: Thanh tâm hỏa, tả can nhiết thu liễm. Thường dùng chữa các chứng bệnh: Băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh, mất ngủ, thần kinh suy nhược, táo bón, bí đại tiểu tiện, đau đầu, điều hòa huyết áp, chứng ngực sườn đầy tức. Dùng 5 - 10 g/ngày, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc cổ phương dùng độc vị Liên tu hoặc phối hợp với các vị thuốc Đông y khác. Chữa chứng băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh, mất ngủ, đái són bạch đới: Liên tu 5 - 15 g, sắc uống.

8. Cuống lá sen: Là cán  lá và cán hoa. Phơi, sấy khô.

Nghiên cứu dược lý hiện đại: Có Roemerin và Nonuxiferin. Có công dụng: Cầm máu. Chữa:  Đại  tiện ra máu, hội chứng lỵ, viêm phụ khoa ở phụ nữ.

Theo Đông y: Cuống lá có vị đắng, tính hàn. Vào kinh: Can, tỳ, vị. Có tác dụng: Thu liễm, thanh thử, hành thủy. Thường dùng chữa: Chứng tiết tả ỉa chảy, phù thũng, nôn ra máu, chảy máu cam, tử cung xuất huyết, đi lỵ ra máu. Ngày dùng 15 - 20 g, dạng thuốc sắc.   

Bài thuốc cổ phương dùng cuống sen phối hợp với các vị thuốc Đông y khác chữa chứng chảy máu não và các biến chứng ở bệnh nhân tăng huyết áp:

Cẫng sen: 15 g               Tang ký sinh: 10 g

Đỗ trọng: 12 g                 Bạch thược: 10 g

Sinh địa: 12 g                  Cam thảo: 10 g

Mạch môn: 12 g

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang.

Phạm Thị Hiền, Văn phòng Liên hiệp hội Hà Giang sưu tầm

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Phổ biến kiến thức ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá tại huyện Quản Bạ
icon Hơn 300 người dân huyện Mèo Vạc được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò vàng
icon Tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển cây ăn quả ôn đới, tạo sinh kế cho người dân tại xã Lùng Tám, Cán Tỷ, huyện Quản Bạ
icon Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
icon Tác hại của Amiăng trắng và khuyến cáo sớm ngừng việc sử dụng Amiăng trắng trong chất liệu tấm lợp
icon Cây sưa, giá trị của gỗ sưa đỏ và kỹ thuật trồng cây gỗ sưa
icon Hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức- Cần đẩy mạnh hơn nữa.
icon Cần phải có giải pháp chủ động ứng phó với đợt diễn biến thời tiết nắng nóng đỉnh điểm diễn ra trong mùa hè năm nay
icon Tác dụng của cây đinh lăng và cách trồng cây đinh lăng trong chậu cảnh
icon Hội thảo khoa học "Giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù phát triển KT-XH xã đặc biệt khó khăn huyện Yên Minh"
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website